Các bộ, ngành đã và đang phối hợp với các địa phương cùng sự chung tay vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, tham gia công tác xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê điều.
Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Do đó, đê điều không chỉ đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, mà còn bảo vệ nhiều khu vực trung tâm kinh tế, chính trị quan trọng của đất nước trước bão lũ. Thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đê. Liên quan đến nội dung này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm hai bài viết: "An toàn đê điều trước mùa mưa bão".
Bài 1: Nỗ lực nâng cấp hệ thống đê điều
Nhờ sự quan tâm của Chính phủ và sự chủ động của các địa phương, công tác đầu tư, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều được thực hiện tốt. Các sự cố về đê điều đều được các cơ quan chức năng, chủ đầu tư, đơn vị thi công xử lý nhanh, đảm bảo an toàn về chất lượng và tiến độ, nhất là các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.
* Thực tế từ địa phương
Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, đến nay, nước ta đã xây dựng được hệ thống đê điều có quy mô rất lớn với khoảng 9.708 km đê, trong đó 2.776 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, trên 1.100 km kè bảo vệ đê, trên 1.500 cống dưới đê, trên 600 kho, bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão, trên 1.400 điếm canh đê. Tuy nhiên, do hệ thống đê lớn, hình thành từ lâu đời, chủ yếu đắp bằng đất, dưới tác động của mưa, lũ, bão nên nhiều đoạn bị hư hỏng, xuống cấp, khó đảm bảo an toàn khi phải chống chọi với lũ, bão lớn. Việc đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều là cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trước mùa mưa bão, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Là địa phương có hệ thống đê điều, hồ đập lớn nhất cả nước, Thanh Hóa có 1.008 km đê sông, đê biển và 610 hồ chứa lớn nhỏ, trong đó có 315 km đê từ cấp I đến cấp III. Toàn bộ hệ thống đê bảo vệ trực tiếp cho 2,8 triệu người dân thuộc 17 huyện, thị xã, thành phố với 242 xã có đê đi qua.
Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập, chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai các phương án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm 2024.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, trong năm vừa qua, việc thực hiện các chương trình đầu tư, tu bổ, nâng cấp đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được tổ chức đồng bộ. Hiện có 65 công trình đang triển khai, thi công trong đó có 26 công trình được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và 39 công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh. Đến nay, các dự án công trình triển khai thi công đảm bảo tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trước 30/6/2024.
Đề cập đến vấn đề an toàn hệ thống đê trong mùa mưa lũ sắp tới, bà Trịnh Thị Sơn, thôn Giang Đông, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Chúng tôi rất lo sợ khi mùa lũ đến bởi nước lên to sẽ gây sạt lở đất ven đê, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm kè lại hệ thống đê để đảm bảo an toàn cho các hộ gia đình ven đê”.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm túc, chu đáo công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê. Theo đó, công tác đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều vừa là việc làm thường xuyên, vừa là việc làm lâu dài để đảm bảo an toàn hệ thống đê trước bối cảnh thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, dị thường…
Để thực hiện tốt công tác án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa Nguyễn Hoài Nam khẳng định, Sở tiếp tục bám sát hiện trạng công trình đê điều, các quy hoạch để rà soát, đánh giá, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh cân đối nguồn lực, tiếp tục đầu tư đồng bộ những tuyến đê, những vị trí xung yếu đê điều, đặc biệt là các cống qua đê. Từ đó, đảm bảo an toàn lâu dài hệ thống đê điều của tỉnh, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người dân và Nhà nước trước ảnh hưởng của thiên tai.
* Hiệu quả từ hệ thống đê điều
Nằm ở hạ du lưu vực sông Hồng - Thái Bình, tỉnh Bắc Ninh có các con sông lớn chảy qua là sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu, do đó luôn chịu tác động đồng thời bởi dòng chảy lũ của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện tốt công tác đầu tư, nâng cấp, tu bổ, bảo dưỡng đê điều, đảm bảo những tuyến đê an toàn.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trước mùa lũ, Chi cục Thủy lợi đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố triển khai lực lượng rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn bộ hệ thống công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn. Từ đó, đề xuất những biện pháp, phương án để xử lý sửa chữa, khắc phục những hạng mục công trình hư hỏng, kịp thời đảm bảo an toàn hệ thống đê trước mùa mưa bão. Với 196km đê, 105 cống, 40 kè hộ bờ và chống sóng đã tạo nên hành lang vững chắc, đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho sản xuất, cuộc sống của người dân. Qua đó, mang lại sự yên tâm, niềm tin của nhân dân với hệ thống chính quyền.
Bà Khúc Thị Hạnh, phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Chúng tôi là những người sống ở ven đê nên rất sợ mối, các mảnh trôi vào khu vực sinh sống mỗi khi có lũ bão về. Được sự quan tâm của Nhà nước trong công tác đầu tư, tu bổ đê điều địa phương đã giúp hệ thống đê kiên cố, vững chắc hơn; từ đó giúp người dân yên tâm trước mùa lũ bão”.
Cùng quan điểm, anh Nguyễn Xuân Cường, phường Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Hệ thống đê điều đã được cứng hóa chắc chắn, chúng tôi rất mừng và yên tâm”.
Với phương châm hành động sớm, chủ động trước thiên tai nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm giữ vững hệ thống đê chính, các tuyến đê bối, kiên quyết không để vỡ đê đột ngột… Hằng năm, tỉnh thường xuyên đánh giá, kiểm tra hiện trạng công trình chống lũ, chống úng, chủ động tu bổ, sửa chữa những hư hỏng phát sinh nằm ngoài kế hoạch tu bổ được giao. Đặc biệt, tỉnh dành số lượng lớn kinh phí cho hoạt động này.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Đặng Công Hưởng nhấn mạnh, tỉnh đã căn cứ vào các quy định của Trung ương để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết riêng về công tác duy tu, bảo dưỡng công trình đê điều. Do vậy, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung nguồn lực cho công tác này hàng năm. Mỗi năm tỉnh dành ra khoảng xấp xỉ 100 tỷ đồng cho công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều.
Chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đê điều không phải của riêng một cơ quan hay tổ chức. Các bộ, ngành đã và đang phối hợp với các địa phương cùng sự chung tay vào cuộc của doanh nghiệp, người dân, tham gia công tác xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê điều. Thời gian tới, các đơn vị cũng cần triển khai thêm các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư cho xây dựng, tu bổ, nâng cấp đê điều./.
(Bài 2: Thành trì vững chắc phòng, chống thiên tai)