Các trường hợp vi phạm Luật Đê diều, Luật Thủy lợi như: Hút cát trái phép trên sông, xe quá tải trọng; tập kết vật liệu quy mô lớn trên bãi sông, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, lấn chiếm lòng sông, gây cản trở thoát lũ, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi... cần được xử lý.
Kết luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi chưa được xử lý quyết liệt, còn một số vụ việc vi phạm kéo dài, ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình thủy lợi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương liên quan cần xử lý kiên quyết, dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, đặc biệt là tình trạng hút cát trái phép trên sông, xe quá tải trọng; tập kết vật liệu quy mô lớn trên bãi sông, xây dựng công trình trái phép trên bãi sông, lấn chiếm lòng sông, gây cản trở thoát lũ, vi phạm hành lang bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi...
Các chủ đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xây dựng liên quan đến công trình thủy lợi, đê điều phải tuân thủ pháp luật về thủy lợi, đê điều, đảm bảo an toàn cho công trình, đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai tới các tổ chức, cá nhân để biết, hiểu và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, từ năm 2008 đến tháng 4/2024, tổng số vụ vi phạm Luật Đê điều trên địa tỉnh là 553 vụ, đã xử lý 154 vụ, còn tồn đọng 399 vụ (trong đó năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024 phát hiện 7 vụ, đã xử lý 3 vụ). Các vi phạm phổ biến như: lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, hàng quán tạm, lều tạm, xẻ mái đê làm dốc, xây dựng công trình trái phép ngoài bãi sông…
Số vụ vi phạm Luật Đê điều còn tồn đọng nhiều do đê đi qua khu dân cư, các khu dân cư đã hình thành trong phạm vi hành lang bảo vệ đê từ trước khi Pháp lệnh đê điều và Luật Đê đê điều có hiệu lực. Do vậy, khi mở rộng nâng cấp công trình đê điều, các công trình, nhà cửa của dân trước đây chưa nằm trong diện vi phạm thì nay trở thành vi phạm, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa nghiêm túc, chưa thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật, các cấp chính quyền ở cơ sở còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, những vi phạm được xử lý còn ít hoặc xử lý không nghiêm minh, kiên quyết, dứt điểm, vì vậy vẫn còn hiện tượng tái phạm, hiệu quả xử lý vi phạm hành chính theo quy định đạt hiệu quả chưa cao…
Hệ thống đê tỉnh Hà Nam có tổng chiều dài hơn 280,9 km, trong đó đê từ cấp III trở lên có tổng chiều dài hơn 88,4 km; đê dưới cấp III có tổng chiều dài 168,5 km; tuyến đê hữu Đáy có chiều dài 24 km./.
- Từ khóa:
- Hà Nam
- Luật Đê điều
- xử lý vi phạm