HĐND các tỉnh đã thảo luận, thống nhất thông qua các nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao để kịp thời ban hành chính sách cụ thể hóa các chính sách mới theo chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương.
Ngày 12/7, HĐND các tỉnh Bắc Giang, Tây Ninh, Hải Dương, Sơn La thông qua nhiều nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.
* Quyết định bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025
Trong 2 ngày 11 - 12/7, HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 18.
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã thảo luận, thống nhất thông qua 18 nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao để kịp thời ban hành chính sách cụ thể hóa các chính sách mới theo chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; góp phần tạo sự thống nhất, đồng bộ về pháp lý trên các lĩnh vực nhằm thúc đẩy, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong đó có các nghị quyết như: Nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng cuối năm 2024; Quyết định bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; bổ sung, phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024 (lần 2); Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác...
Thảo luận tại Kỳ họp, có 22 đại biểu phát biểu, trao đổi trực tiếp tại hội trường về nhiều nội dung.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao; tháo gỡ điểm nghẽn về quỹ đất sạch để thu hút đầu tư. Về phát triển nông nghiệp, để tránh nguy cơ tăng trưởng âm, 6 tháng cuối năm, các cấp, ngành tích cực khai thác các sản phẩm nông, lâm, thủy sản còn dư địa tăng trưởng; hỗ trợ, hướng dẫn người dân chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ tốt cây trồng vụ mùa, cây ăn quả; tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án lớn, trọng tâm là các dự án trung tâm thương mại, du lịch nghỉ dưỡng, logistic. UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu sớm hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ; tập trung triển khai thực hiện các Luật mới chuẩn bị có hiệu lực.
Phát biểu bế mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Lê Thị Thu Hồng cho biết, các nghị quyết được thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, thực hiện. Sau khi các nghị quyết ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện kịp thời, thống nhất, đúng quy định, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương trong chủ trì, phối hợp thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh để nghị quyết thực sự phát huy hiệu quả.
* Chất vấn nhiều vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm
Ngày 12/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu HĐND tỉnh Tây Ninh tập trung chất vấn nhiều vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm như: chăn nuôi trong khu dân cư, cung cấp nước tưới tiêu gặp khó, bảo tồn di tích lịch sử, công nhận gia đình văn hóa, phát triển du lịch...
Các đại biểu thẳng thắn nêu phản ánh của cử tri về tình trạng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn mặc dù được đầu tư bài bản nhưng vẫn còn trường hợp xử lý chất thải chưa tốt, phát sinh mùi hôi và gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Các đại biểu còn quan tâm đến vấn đề quản lý đất công, quản lý hệ thống kênh mương, hành lang phụ cận không sử dụng bị người dân bao chiếm sử dụng để trồng cây, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp...
Trả lời tại buổi chất vấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân nhìn nhận những thực trạng các đại biểu nêu. Ông Nguyễn Đình Xuân nhận định, trong thực tế vẫn có trường hợp gây ô nhiễm môi trường, tùy theo mức độ, ngành chức năng sẽ phối hợp xử lý.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt về quản lý hệ thống thủy lợi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lấn chiếm, vi phạm vào hành lang bảo vệ an toàn, thực hiện đầy đủ việc nạo vét, tu bổ các hệ thống kênh mương để đảm bảo tưới, tiêu, phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ an toàn hệ thống kênh, mương và đảm bảo phục vụ tốt cho nhu cầu sản xuất của người dân; khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện về hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh theo nhu cầu sử dụng thực tế.
Đối với hoạt động chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với Sở tài nguyên và Môi trường và UBND các huyện, xã, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động này, nhất là kiểm soát vấn đề bảo vệ và thực hiện theo quy định bảo vệ môi trường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường...
* Thông qua 18 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, dân chủ, ngày 12/7, Kỳ họp thứ 23 Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương khóa XVII đã bế mạc. Kỳ họp đã thông qua 18 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu đề nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các cấp, ngành khẩn trương thể chế hóa thành các quyết định cụ thể, đưa các nghị quyết vào cuộc sống. Ủy ban nhân dân tỉnh chủ động rà soát các chính sách hiện hành, nghiên cứu đề xuất những chính sách đặc thù mới của tỉnh để triển khai một số chủ trương theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và kiến nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng và tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp, các ý kiến kiến nghị của cử tri.
Kỳ họp lần thứ 23 đã thông qua các Nghị quyết như: Điều chỉnh, phân bổ kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021 - 2025 và năm 2024 lần 5 (nguồn ngân sách tỉnh); Kết quả thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm; Chủ trương hỗ trợ kinh phí đo đạc, chỉnh lý hồ sơ địa chính để cấp đổi hoặc đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp và phí, lệ phí cấp đổi, đăng ký biến động trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân tặng cho quyền sử dụng đất phục vụ xây dựng công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương...
Trong chương trình Kỳ họp có 52 lượt ý kiến thảo luận tại tổ, 8 ý kiến thảo luận tại hội trường. Kỳ họp đã chất vấn Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo về các vấn đề nóng.
Tại Kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã tiếp thu, làm rõ thêm các vấn đề đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết, 6 tháng cuối năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung quản lý chặt chẽ các nguồn thu, điều hành chi ngân sách Nhà nước có trọng tâm, trọng điểm; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công; phấn đấu cuối năm tối thiểu đạt 95%. Tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án thành lập khu kinh tế chuyên biệt và các dự án trọng điểm; tập trung hoàn thành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã; chuẩn bị tốt các điều kiện cho Đại hội Đảng các cấp; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa xã hội, tăng trưởng chỉ số hạnh phúc của người dân. Tỉnh rà soát đánh giá các cơ chế, chính sách đã ban hành, kịp thời thay thế những cơ chế, chính sách của địa phương không còn phù hợp...
* Đưa nghị quyết HĐND tỉnh Sơn La vào cuộc sống, đạt hiệu quả
Ngày 11 - 12/7, Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.
Tại Kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thông qua các nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu, chi ngân sách những tháng cuối năm 2024, với 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Ngoài ra, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, tại Kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện chất vấn đối với Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm.
Phát biểu Bế mạc, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng nhấn mạnh, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã phát huy tinh thần trách nhiệm và đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, góp phần vào thành công của Kỳ họp.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đề nghị, ngay sau Kỳ họp, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, chủ động tổ chức triển khai đảm bảo đồng bộ, kịp thời để các nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành thông báo kết luận phiên chất vấn, trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp và thời gian cụ thể; yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những nội dung đã cam kết thực hiện theo tiến độ với Hội đồng nhân dân tỉnh.
Kỳ họp đã tiến hành xem xét 26 báo cáo và thảo luận, biểu quyết thông qua 3 nghị quyết về hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, 22 Nghị quyết chuyên đề quyết định về kế hoạch đầu tư công, chủ trương đầu tư một số dự án xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, quy định mức học phí, điều chỉnh vốn ngân sách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia... thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh./.