Thành công chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Australia và New Zealand đã khẳng định vai trò của Ngoại giao nghị viện trong việc thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước phát triển đi vào chiều sâu
(TTXVN) Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và đạt thành công rất tốt đẹp.
* Ngoại giao Nghị viện kết nối mục tiêu phát triển quốc gia
Thành công của chuyến thăm đã khẳng định vai trò của Ngoại giao nghị viện trong việc góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các nước; nhất là trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đã mở cửa trở lại, nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm chính là cuộc hội đàm quan trọng giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Chủ tịch Thượng viện Sue Lines và Chủ tịch Hạ viện Milton Dick của Australia. Cùng với nhất trí thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, hai bên đồng tình ủng hộ việc sớm xem xét nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào thời điểm phù hợp. Bên cạnh đó, Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Australia cũng đã ký một thỏa thuận hợp tác cho giai đoạn tiếp theo với những nội hàm hợp tác mới, sâu rộng hơn.
Theo ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao nghị viện có ký kết đồng thời ba bên. Điều này chứng tỏ bạn rất coi trọng Quốc hội Việt Nam khi cả lãnh đạo của Hạ viện và Thượng viện cùng ký kết thỏa thuận hợp tác với mong muốn thúc đẩy quan hệ với Quốc hội Việt Nam, từ đó góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược lên tầm cao mới.
Đối với New Zealand, Việt Nam mong muốn cùng Quốc hội New Zealand nghiên cứu, xây dựng Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội nhằm tạo khung pháp lý để hai bên thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước, góp phần xây dựng tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước, đồng thời góp phần phát huy hiệu quả quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-New Zealand trong thời gian tới.
Viện chính sách Australia-Việt Nam là cơ quan nghiên cứu và đề xuất chính sách đầu tiên chuyên về quan hệ giữa hai nước mới được thành lập vào tháng 3/2022 có trụ sở tại thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria. Trong bài phát biểu có chủ đề về “Tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”, Chủ tịch Quốc hội nhận định, quan hệ song phương bền chặt chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng quan hệ sâu sắc giữa người dân hai bên. Do đó, là những người đại biểu của nhân dân, nghị viện hai nước là cầu nối quan trọng kết nối mục tiêu phát triển của hai quốc gia và nguyện vọng tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Cùng với ký kết thỏa thuận hợp tác Nghị viện để cùng chia sẻ cho nhau kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật, thể chế, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội cùng các nhà lãnh đạo cơ quan nghị viện hai nước đã cùng trao đổi về tiếp tục phát huy cơ chế phối hợp tại các diễn đàn đa phương như: Liên nghị viện thế giới IPU, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương APPF,… và các tổ chức nghị viện đa phương khác; ủng hộ lập trường của nhau về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
* Góp phần phát triển nguồn nhân lực, tăng hợp tác kinh tế
Diễn đàn hợp tác giáo dục, Diễn đàn hợp tác kinh tế tại Australia và New Zealand được các cơ quan hữu quan của Việt Nam chủ trì phối hợp tổ chức ở hai thành phố lớn của nước bạn. Với 20 Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các trường đại học tại hai nước, Diễn đàn Giáo dục là dịp thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo mà nước bạn có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.
Ông Vũ Hải Quân, Chủ tịch Hội đồng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, với các Biên bản ghi nhớ hợp tác, các trường đại học của Việt Nam, Australia, New Zealand có thể trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực quản trị đại học, để từ đó giúp nâng cấp chất lượng chương trình đào tạo của các trường đại học của Việt Nam. Cùng với du học sinh Việt Nam tại nước bạn, đào tạo tại Việt Nam, số lượng sinh viên của Australia và New Zealand đến Việt Nam cũng phải ngày càng tăng. Đây cũng là trách nhiệm của các trường đại học của Việt Nam trong việc xây dựng các khóa đào tạo để làm thế nào có thể thu hút được sinh viên của nước bạn. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào một số các chương trình đào tạo. Đó là chương trình về ngôn ngữ, về tiếng Việt, về lịch sử, văn hóa, con người của Việt Nam; liên quan đến lĩnh vực du lịch và dự án hợp tác về nông nghiệp với phía Australia. Nông nghiệp, biến đổi khí hậu cũng là lĩnh vực mà các bạn quan tâm bởi khi qua Việt Nam học tập, các sinh viên có cơ hội để tiếp cận với thực tế đang diễn ra tại đồng bằng sông Cửu Long.
Thượng Nghị sỹ Tim Ayres, đồng Bộ trưởng Thương mại Australia khẳng định, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng trong hợp tác song phương. Hai nước đang có cam kết chung để trở thành Top 10 đối tác thương mại của nhau và tăng gấp đôi kim ngạch thương mại. Điều quan trọng là đã có những sinh viên Việt Nam có cơ hội để học tập, được cấp bằng của Australia, nhưng lại đào tạo tại Việt Nam. Điều này phản ánh sự cởi mở của một đất nước Việt Nam hiện đại, với những ý tưởng mới, những cách tiếp cận mới, những khoản đầu tư mới.
Tại Australia, trong cuộc gặp với các nhà đầu tư, kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam, lãnh đạo trường RMIT chia sẻ với Chủ tịch Quốc hội về việc nhà trường đã quyết định tăng gấp ba lần kinh phí đầu tư tại Việt Nam so với hiện nay; còn lãnh đạo trường Swinburne cũng có động thái tăng đầu tư tại những cơ sở hiện có tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Những năm qua đã có nhiều sinh viên New Zealand đến Việt Nam học và thực tập. Điều này thể hiện sự quan tâm, đầu tư của nước bạn cho các chương trình trao đổi sinh viên giữa hai nước. Vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Jacinda Ardern, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục New Zealand đã ký thỏa thuận hợp tác. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong hợp tác giáo dục - một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng nhất giữa hai nước. Đại học Waikato của New Zealand nằm trong top 1,1% trường đại học tốt nhất thế giới và nằm trong nhóm tinh hoa của 1% các trường về quản trị kinh doanh hàng đầu trên thế giới. Tại đây, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ nhu cầu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam là rất lớn, mong muốn thời gian tới Đại học Waikato là một trong những trường đại học của New Zealand có dự án đầu tư giáo dục đại học tại Việt Nam về quản trị đại học, nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm chuyển đổi số; hợp tác trao đổi giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên với các trường đại học của Việt Nam trong những lĩnh vực nhà trường có thế mạnh...
Đẩy mạnh hợp tác giáo dục không đơn thuần chỉ trong việc góp phần phát triển nguồn nhân lực cho thực hiện những mục tiêu phát triển của đất nước trước mắt và lâu dài, mà theo Chủ tịch Quốc hội, các thế hệ sinh viên Việt Nam còn là các “đại sứ” văn hóa, cầu nối hữu nghị, góp phần tăng cường quan hệ giữa người dân Việt Nam với người dân hai nước, tiếp nối truyền thống của mối quan hệ gần 50 năm qua giữa Việt Nam và hai Đối tác chiến lược khu vực Nam Thái Bình Dương.
Tại hai diễn đàn kinh tế, theo nhận xét của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường: “Diễn đàn Kinh tế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch và các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và nhu cầu. Bạn rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, thị trường có khoảng 100 triệu dân, là quốc gia có vị thế ở Đông Nam Á, đang ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trên trường quốc tế”.
Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các nhà lãnh đạo cấp cao của Australia, New Zealand, tại Diễn đàn kinh tế ở hai nước, các nhà lãnh đạo và nhiều đại biểu đều nhận định nền kinh tế Việt Nam và hai Đối tác chiến lược khu vực Nam Thái Bình Dương có tính chất bổ sung cho nhau, nên rất thuận lợi để xây dựng và củng cố chuỗi cung ứng những mặt hàng mà một bên có thế mạnh và bên kia có nhu cầu. Kim ngạch song phương với hai nước đạt được trong thời gian qua còn khiêm tốn so với tiềm năng của mối quan hệ. Do đó, thời gian tới cần tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao, các cấp, đoàn doanh nghiệp thăm, tìm hiểu thị trường, cũng như tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho thông thương, đầu tư, kinh doanh.
Với tiềm năng đó, ông Philipp Ivanov, Tổng Giám đốc điều hành Asia Society, Australia, bày tỏ tin tưởng: “Sẽ có rất nhiều cơ hội được mở ra cho doanh nghiệp hai nước, minh chứng là ngay tại Diễn đàn hợp tác Kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc gặp mặt, trao đổi nhanh với nhóm đại diện doanh nghiệp Australia đang hoạt động tại Việt Nam. Cá nhân tôi nhìn thấy cơ hội hợp tác rất lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ…”
* Tạo môi trường thuận lợi tăng cường hợp tác, thu hút nguồn lực
Tại hai nước, trong các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá cao và đề nghị Lãnh đạo nước bạn, nghị sĩ của Australia và New Zealand quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam có cuộc sống ổn định, hòa nhập, đóng góp cho xã hội sở tại, là cầu nối cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia và Việt Nam-New Zealand.
Chủ tịch Quốc hội đã gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở hai nước, lắng nghe bà con chia sẻ tâm tư, nguyện vọng. Kiều bào ở New Zealand bày tỏ phấn khởi với nỗ lực của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động hiệu quả của Quốc hội, đất nước đã vượt qua đại dịch COVID-19, đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội. Điểm thuận lợi hiện nay của doanh nghiệp là cả Việt Nam, Australia, New Zealand đều có chung những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên thuận lợi cho doanh nghiệp các bên, trong đó có doanh nghiệp kiều bào hoạt động xuất nhập khẩu…
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Australia mong muốn cơ quan chức năng trong nước tăng kết nối để nhập khẩu nhiều nông sản của Việt Nam, ký kết visa nông nghiệp để mở đường cho công nhân trẻ trong nước có cơ hội sang Australia lao động…
Trong không khí đầm ấm và thân tình, tại các cuộc tiếp xúc với bà con cộng đồng người Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đã cập nhật về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, việc triển khai Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị, góp phần phát huy khối đại đoàn kết và sức mạnh toàn dân tộc, vận động kiều bào tiếp tục gắn bó với đất nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đề nghị Đại sứ quán tiếp tục làm tốt công tác bảo hộ công dân, phối hợp cùng các hội đoàn người Việt làm tốt công tác giữ gìn, phát huy tiếng Việt, bản sắc văn hóa Việt Nam…
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là bước triển khai thiết thực chủ trương đối ngoại quan trọng của Đại hội XIII của Đảng. Đó là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, trong đó có Australia và New Zealand là những đối tác chủ chốt, quan trọng trên nhiều phương diện đối với Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Cả hai nước đã đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Việt Nam trọng thị, chu đáo, thân tình, với nghi lễ truyền thống độc đáo; trao đổi với độ tin cậy cao, thực chất, đồng quan điểm với Việt Nam trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm. Đây là thuận lợi mới, tạo môi trường chính trị chung cho việc tăng cường quan hệ với hai nước, cũng như thu hút nguồn lực phục vụ phát triển đất nước ta.
Chuyến thăm chính thức tới hai nước của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ cả chính giới, học giả, báo chí, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân Australia và New Zealand, cũng như cộng đồng người Việt ở sở tại, cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ những kết quả cụ thể đã đạt được, tạo động lực để quan hệ Việt Nam với hai nước sang giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn nữa./.