Các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đẩy mạnh các hoạt động đào tạo sinh viên quốc tế theo diện học bổng toàn phần do tỉnh ký kết với các địa phương Champasak, Attapeu và Thủ đô Viêng Chăn của Lào. Qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết, mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Khánh Hòa với các địa phương của Lào nói riêng.
* Sinh viên Lào yêu thích Khánh Hòa
Nữ sinh viên Savankham Vorlalath (sinh năm 2005) học ngành Quản trị kinh doanh năm thứ 2 tại Trường Đại học Khánh Hòa, hiện đã rất thành thạo ngôn ngữ Tiếng Việt chỉ sau một năm học tiếng Việt tại trường. Giờ đây, Savankham Vorlalath có thể giới thiệu lưu loát về những cảnh đẹp của Khánh Hòa đến với những người bạn Lào của mình, tấm tắc dành lời khen cho những món ăn đặc trưng của Việt Nam.
Đánh giá về môi trường học tập tại tỉnh Khánh Hòa, Savankham Vorlalath cho rằng ở đây rất tốt, em được bạn bè và thầy cô hỗ trợ hết mình trong việc học. Đặc biệt, trong những ngày lễ, Tết cổ truyền của dân nhân Lào, em cùng các bạn đồng hương tại Khánh Hòa tham gia các sự kiện, buổi lễ dành riêng cho du học sinh quốc tế.
“Em cảm thấy mình học ở Khánh Hòa (Việt Nam) cũng giống như đang ở quê nhà, luôn gần gũi, ấm áp. Với ngành học của mình, em hy vọng sau khi tốt nghiệp trở về sẽ đóng góp sức nhỏ để cùng phát triển quê hương”, Savankham Vorlalath tâm sự.
Thavixay Lodsavanh (sinh năm 2006), đến từ Thủ đô Viêng Chăn cũng có suy nghĩ, chí hướng phụng sự cho đất nước sau khi học tập tại Việt Nam trở về. Thavixay Lodsavanh chỉ vừa đặt chân tới mảnh đất Nha Trang sáng 8/11, vui vẻ cho biết: Em rất biết ơn và vinh dự được có cơ hội đi học theo học bổng do tỉnh Khánh Hòa (Việt Nam) tài trợ. Trước khi đi, em rất vui và tìm hiểu về tiếng Việt, về tỉnh Khánh Hòa nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung. Khi đến nơi, em thấy đúng như những gì được học, đọc sách và từ nhiều nguồn thông tin rằng Khánh Hòa khí hậu tốt, con người thân thiện, nhiệt tình…
“Trong 5 năm học tập tại Khánh Hòa, em sẽ nỗ lực học tập thật tốt. Theo kinh nghiệm của các anh chị đi trước, chỉ cần 6 tháng đến một năm là có thể thành thạo ngôn ngữ nên em sẽ nỗ lực học giỏi tiếng Việt, sau đó chọn ngành Marketing - Quản trị kinh doanh, du lịch để theo học tập. Đó là ước mơ của em”, Thavixay Lodsavanh chia sẻ.
Trong những năm làm công tác đối ngoại tại trường, tiếp xúc với du học sinh Lào, Tiến sĩ Phan Đức Ngại, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác đối ngoại khẳng định: Các phiếu khảo sát đánh giá của sinh viên là người Lào đối với nhà trường đều tích cực. Các em cho rằng môi trường học tập đầy đủ cơ sở vật chất, con người thân thiện, hòa đồng, các mối quan hệ thầy cô, bạn bè “giống như chính người trong gia đình của các em”. Thế hệ sinh viên Lào sang học tập trước tại trường chính là những anh chị hướng dẫn, chăm lo cho thế hệ em út sang học tập sau. Các phong trào văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nhà trường đều được các em tham gia nhiệt tình, tích cực.
* Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Trường Đại học Khánh Hòa vừa tiếp nhận các lưu học sinh từ Thủ đô Viêng Chăn sang học tập tại trường theo Biên bản hợp tác giữa tỉnh Khánh Hòa và Thủ đô Viêng Chăn, Lào giai đoạn 2024 -2028 (ký vào tháng 4/2024 tại Viêng Chăn). Đưa các em học sinh đến bàn giao tại Trường Đại học Khánh Hòa, ông Somphone Sonedala, Giám đốc Sở giáo dục và Thể thao Thủ đô Viêng Chăn cho biết, ngành Giáo dục Viêng Chăn đánh giá rất cao chất lượng sinh viên sau khi du học tại Việt Nam trở về nước. Phần lớn các sinh viên khi trở về được theo dõi và bố trí việc làm tại các cơ quan nhà nước của Lào.
“Tôi mong muốn Trường Đại học Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tạo điều kiện thuận lợi, chăm lo cho các em học tập thành tài. Sở Giáo dục và Thể thao Thủ đô Viêng Chăn cử cán bộ kết nối để làm tốt công tác quan hệ hợp tác quốc tế giáo dục, đảm bảo kịp thời theo dõi tình hình, chất lượng học tập của các sinh viên đang học tại tỉnh Khánh Hòa”, ông Somphone Sonedala thông tin.
Ông Phan Phiến, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết: Hiện nay, nhà trường đang đào tạo cho 20 sinh viên là người Lào theo diện đào tạo hợp tác quốc tế được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa giao nhiệm vụ. Các em đang học năm đầu tiên tiếng Việt và học các chuyên ngành đại học. Mã ngành được các em theo học nhiều chủ yếu là du lịch, quản trị kinh doanh, bán lẻ… Chất lượng sinh viên sau khi đào tạo tiếng Việt ở trường khá tốt. Các em sinh viên nắm bắt chương trình học tập khá tốt. Trong điều kiện ăn ở, học tập của các du học sinh, tỉnh Khánh Hòa lo toàn bộ chi phí nên các em rất thuận lợi, tập trung phần lớn thời gian vào việc học.
Bà Phan Thị Thu Cúc, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Khánh Hòa thông tin, những du học sinh, sinh viên Lào học tập theo diện học bổng do Việt Nam nói chung, tỉnh Khánh Hòa nói riêng chính là một hoạt động thể hiện mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt, tinh thần đoàn kết, và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung, giữa tỉnh Khánh Hòa và Thủ đô Viêng Chăn nói riêng. Tỉnh Khánh Hòa mong muốn thắt chặt mối quan hệ giữa tỉnh và các địa phương của Lào trong các mối quan hệ hợp tác đào tạo nhân lực, kinh tế - xã hội. Tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ học bổng toàn phần cho sinh viên Thủ đô Viêng Chăn, ngược lại Thủ đô Viêng Chăn hỗ trợ tỉnh Khánh Hòa đào tạo 2 chỉ tiêu/năm cho cán bộ tỉnh.
Trong các chương trình hợp tác của tỉnh Khánh Hòa với các địa phương khác của Lào, ngoài Trường Đại học Khánh Hòa, du học sinh Lào còn học tập tại các trường Đại học Nha Trang, Trường Sỹ quan Thông tin, Trường Sỹ quan Không quân theo các chương trình học bổng khác nhau do Chính phủ Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa tài trợ./.
- Từ khóa:
- Việt Nam
- Lào
- Đào tạo nhân lực