3 tháng qua, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Gia Lai đã xử phạt hơn 105 trường hợp chở mía quá khổ quá tải.
TTXVN - Hai vùng mía trọng điểm phía Đông và Đông Nam của tỉnh Gia Lai đang bước vào giai đoạn cuối vụ thu hoạch. Để đảm bảo thu hoạch toàn bộ sản lượng mía cho người dân trước mùa mưa, vụ mía 2022-2023 của hai nhà máy đường An Khê và Ayun Pa sẽ khép lại vào ngày 30/4. Nhà máy đang hoạt động tối đa công suất ép. Vì thế xe chở mía cũng hoạt động hết công suất. Trước thực trạng đó, các lực lượng chức năng của tỉnh Gia Lai tăng cường lực lượng, phương tiện nỗ lực kiểm soát chặt chẽ tình trạng chở quá khổ, quá tải.
Quan sát thực tế tại nhiều tuyến đường dẫn vào các nhà máy, hầu hết phương tiện chấp hành tốt các quy định trong vận chuyển. Qua kiểm soát, tuyên truyền của lực lượng chức năng, các chủ phương tiện đã ý thức xếp mía gọn gàng, ngay ngắn trong thành thùng xe; nhiều xe tải trọng lớn được phủ bạt. Cá biệt số ít phương tiện vẫn chở quá khổ, quá tải. Lực lượng chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp này.
Từ ngày 15/12/2022 đến 10/3/2023, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Gia Lai đã xử phạt hơn 105 trường hợp chở mía quá khổ quá tải. Trung tá Lê Công Ngọc, Đội trưởng cho biết, từ đầu vụ thu hoạch, đơn vị đã trực tiếp ký cam kết với 157 người điều khiển phương tiện vận chuyển mía về nhà máy đường Ayun Pa. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp chặt chẽ với 5 huyện có vùng nguyên liệu tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm. Do vậy từ đầu năm, tình trạng chở nguyên liệu mía quá khổ, quá tải đã được kiểm soát.
Lái xe Nguyễn Đình Khang chia sẻ, anh đã chạy xe chở nguyên liệu mía được 5 năm. Cứ đầu vụ ép, các lực lượng chức năng tuyên truyền về an toàn giao thông, tổ chức cho lái xe ký cam kết không chở quá khổ, quá tải. Vẫn biết chở thêm lượng hàng sẽ bù vào chi phí vận chuyển, nhưng nếu bị phạt sẽ nặng hơn nên thay vì chở quá tải, quá khổ, anh Nguyễn Đình Khang chọn chạy tăng chuyến.
Các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tải trọng, khổ tải, có nhiều chính sách, chế tài cụ thể đối với các phương tiện chở nguyên liệu mía. Ông Lương Tuấn Thông, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (nhà máy đường Ayun Pa) cho biết, vùng nguyên liệu của công ty còn hơn 300 ngàn tấn mía nguyên liệu. Thời tiết hanh khô tiềm ẩn nguy cơ cháy mía. Hạn chế những rủi ro cho người trồng mía, nhà máy đã nâng công suất ép bình quân lên 6.000 tấn mía cây/ngày, đảm bảo thu hoạch đúng tiến độ. Các xe vận chuyển vì thế cũng hoạt động nhộn nhịp hơn. Để phối hợp cùng lực lượng chức năng kiểm soát tình trạng quá khổ, quá tải, công ty đã có chính sách bù cước vận tải 8% đối với các loại xe chở đúng tải trọng. Với các xe chở vượt quá tải trọng cho phép Công ty sẽ lập biên bản xử lý và cho tạm dừng vận chuyển đến khi đáp ứng được yêu cầu của công ty, đồng thời hạ cước vận chuyển thanh toán.
Nhiều năm trở lại đây, tình trạng chở quá khổ, quá tải vào mỗi vụ ép mía tại khu vực vùng nguyên liệu phía Đông và Đông Nam của tỉnh Gia Lai luôn được lực lượng chức năng nỗ lực kiểm soát. Nhìn chung, các xe vận chuyển nguyên liệu mía sắp xếp gọn gàng trong thành thùng xe; tải trọng cũng được các lái xe tự ý thức kiểm soát tại ruộng mía. Nhờ đó, trong thời gian diễn ra vụ ép nguyên liệu mía, tại hai nhà máy đường An Khê và Ayun Pa đã không xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến xe chở nguyên liệu mía./.
- Từ khóa:
- Kểm soát
- tải trọng xe: thu hoạch mía
- Gia Lai