Gia Lâm không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong bản đồ kinh tế Hà Nội mà còn từng bước xây dựng nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu trở thành quận hiện đại.
Là một huyện ngoại thành có nền kinh tế tầm trung trong khối các huyện của Hà Nội, Gia Lâm đã trải qua một hành trình đầy cảm hứng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về phát triển kinh tế - xã hội. Sau 4 năm kiên trì nỗ lực, Gia Lâm không chỉ khẳng định vai trò quan trọng trong bản đồ kinh tế Hà Nội mà còn từng bước xây dựng nền tảng vững chắc để đạt mục tiêu trở thành quận hiện đại, văn minh, mang đậm dấu ấn phát triển bền vững trong tương lai gần.
Biến thách thức thành động lực phát triển
Giai đoạn 2021 - 2025 được xem là một trong những cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển của Gia Lâm. Những năm đầu nhiệm kỳ, huyện phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Đại dịch COVID - 19 bùng phát khiến nền kinh tế địa phương chịu nhiều tổn thất nặng nề. Nhiều trung tâm sản xuất lớn như chợ gốm Bát Tràng, chợ thuốc Nam Ninh Hiệp, các khu thương mại và dịch vụ quan trọng đều phải đóng cửa.
“Sản xuất đình trệ, doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động mất việc làm, khiến nền kinh tế huyện gần như bị đóng băng trong một thời gian dài. Tuy nhiên, thay vì bi quan, Gia Lâm đã thể hiện tinh thần vượt khó, nhanh chóng chuyển trạng thái để thích ứng với tình hình mới. Hàng loạt chính sách hỗ trợ đã được đưa ra kịp thời, từ giãn, hoãn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp đến hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” đã tạo nên động lực mạnh mẽ để cả chính quyền lẫn người dân vượt qua thách thức”, bà Đặng Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm chia sẻ.
Đến nay, cơ cấu kinh tế của Gia Lâm đã chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ tăng lên rõ rệt, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm dần, phù hợp với định hướng phát triển đô thị hóa của huyện. Giai đoạn 2021 - 2024, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt bình quân 11,21%, dự kiến đến hết nhiệm kỳ 2021 - 2025, con số này sẽ đạt 11,65%. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 6.323 tỷ đồng, vượt 147,5% dự toán. Đây là những con số biết nói, thể hiện sự phục hồi và bứt phá ngoạn mục của Gia Lâm sau một thời gian đầy khó khăn.
Nông thôn mới nâng cao - Bước đệm vững chắc cho đô thị hóa
Mới đây, huyện Gia Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023,
đánh dấu một bước ngoặt lớn trong hành trình phát triển. Thành tựu này không chỉ là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt từ chính quyền mà còn là minh chứng cho tinh thần đồng lòng của toàn thể nhân dân huyện Gia Lâm.
Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại Gia Lâm được thực hiện theo phương châm “quy hoạch là bước đi tiên phong”. Điều này thể hiện ở việc huyện chú trọng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các khu dân cư hiện hữu, đồng thời phát triển các khu đô thị mới hiện đại. Các làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng, thuốc Nam Ninh Hiệp không chỉ được giữ gìn mà còn được phát triển, trở thành điểm nhấn kinh tế - văn hóa, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của địa phương.
Những khu đô thị như Vinhomes Ocean Park, Đặng Xá, Khu đô thị 31ha… không chỉ làm thay đổi diện mạo Gia Lâm mà còn nâng tầm vị thế của huyện, biến nơi đây trở thành một trong những khu vực đô thị hóa sôi động nhất Hà Nội. Đặc biệt, huyện đã đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, và các thiết chế văn hóa, không chỉ phục vụ người dân mà còn chuẩn bị sẵn sàng cho mục tiêu trở thành quận.
Huy động sức mạnh tổng hợp cho một tương lai bền vững
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà chia sẻ, bài học lớn nhất từ hành trình phát triển của Gia Lâm là việc khai thác tối đa sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Huyện đã chủ động tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ giữa chính quyền và nhân dân để lắng nghe ý kiến đóng góp, giải quyết vướng mắc, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong triển khai các chính sách.
Không chỉ dừng lại ở việc thu hút sự đồng lòng của nhân dân, Gia Lâm còn chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ công chức với phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao. Tinh thần nêu gương từ người đứng đầu đã lan tỏa sâu rộng, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, huyện đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh cải cách hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân. Gia Lâm đã và đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý đô thị, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Hành trình trở thành quận không chỉ là mục tiêu của Gia Lâm mà còn là khát vọng của cả hệ thống chính trị và nhân dân nơi đây. Để hiện thực hóa giấc mơ này, trong năm 2025, Gia Lâm sẽ hoàn thành Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị, tập trung đầu tư vào các công trình hạ tầng khung như giao thông liên vùng, hệ thống thoát nước, và các thiết chế công cộng hiện đại.
Đề án thành lập quận và các phường đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, trình Bộ Xây dựng phê duyệt. Đây là tiền đề quan trọng để Gia Lâm tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quận vào năm 2025.
“Khâu đột phá của huyện trong thời gian tới là huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, và xây dựng các công trình công cộng thiết yếu,” Bí thư Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.
Hôm nay, Gia Lâm không chỉ là biểu tượng của sự thay đổi, mà còn là minh chứng cho sức mạnh ý chí, tinh thần đoàn kết và tầm nhìn chiến lược. Những con đường hiện đại, các khu đô thị sầm uất, và các làng nghề truyền thống được bảo tồn là minh chứng sống động cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Với những bước đi vững chắc, Gia Lâm đang từng ngày tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành quận hiện đại, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội và đất nước. Hành trình ấy không chỉ là câu chuyện của một địa phương, mà còn là nguồn cảm hứng lớn lao về khát vọng và bản lĩnh vượt khó của con người Việt Nam./.
- Từ khóa:
- Gia Lâm
- bứt phá
- quận hiện đại
- Hà Nội