Giải quyết dứt điểm hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế tồn đọng và quản lý giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu
Bộ Y tế cam kết sẽ giải quyết dứt điểm 7.000 hồ sơ tồn đọng này đến 31/12/2024.
TTXVN - Ngày 24/3, tại họp báo thông tin về hoạt động y tế trong quý I/2023, nhiều nội dung liên quan đến giải pháp thực hiện việc giải quyết hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng; quản lý các hoạt động thu phí dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu... đã được đại diện Bộ Y tế giải đáp.
* Đến 31/12/2024 sẽ giải quyết dứt điểm 7.000 hồ sơ tồn đọng
Trả lời nội dung liên quan đến giải pháp xử lý dứt điểm khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn đọng, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết: Do số lượng hồ sơ nhiều, đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập. Nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) rất thiếu, chỉ có 7 thành viên, ngoài việc thẩm định hồ sơ, còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác.
Bên cạnh đó, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi bổ sung.
Sau mỗi lần bổ sung, do thủ tục này được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử theo dịch vụ công cấp độ 4 nên doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành dẫn đến việc thẩm định phải đọc lại từ đầu.Trên thực tế, mỗi hồ sơ đều phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho các chuyên gia và chuyên viên trong khi nhân lực số lượng chuyên gia và chuyên viên còn thiếu nhiều.
Tới đây, sau khi Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế chuyển đổi thành Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế (theo Nghị quyết 95/NQ-CP của Chính phủ), nhân lực sẽ được tăng thêm, có thể đẩy nhanh giải quyết hồ sơ tồn đọng hiện nay", ông Nguyễn Tử Hiếu thông tin.
Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, thẩm định, cấp, hậu kiểm và thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành trang thiết bị y tế.
Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3/3/3023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh, cho phép gia hạn hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31/12/2024; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16/11/2021 của Bộ Y tể để hướng dẫn cụ thể trong việc chuẩn bị hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành... Trong đó, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP có một số điểm liên quan đến việc gia hạn giấy phép của các cấp đến 31/12/2024. Đây là nội dung đã được Bộ Y tế cam kết khi trình Chính phủ ban hành Nghị định 07/2023/NĐ-CP, đó là phải đảm bảo giải quyết dứt điểm các hồ sơ tồn đọng từ nay đến 31/12/2024.
Cùng với việc được tăng cường nhân lực, Bộ Y tế cam kết sẽ giải quyết dứt điểm 7.000 hồ sơ tồn đọng này đến 31/12/2024, ông Nguyễn Tử Hiếu khẳng định.
Làm rõ thêm nội dung này, ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết: Bộ đã yêu cầu Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng hiệu suất làm việc. Bộ đang đề xuất tăng phí thẩm định cho chuyên gia, bởi đây là công việc phức tạp, có tính trách nhiệm cao...
* Sẽ ban hành Thông tư quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu
Liên quan đến nội dung quản lý giá trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế cho biết: Khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai, và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán" do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các cơ sở y tế.
Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định: Chỉ thực hiện kê khai giá đối với trang thiết bị y tế khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp trang thiết bị y tế, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế sẽ ban hành các danh mục về kê khai giá. Đồng thời, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó sẽ rà soát các đặc thù liên quan đến việc quản lý trang thiết bị y tế để giải quyết quy định liên quan đến giá gói thầu.
Khám, chữa bệnh theo yêu cầu là hoạt động đã diễn ra từ lâu, là một chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động của cơ sở y tế nói chung đã được xác định trong các văn kiện, tài liệu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, văn bản gần đây nhất là Luật khám, chữa bệnh mới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đã xác định xã hội hóa các hoạt động này và giao Bộ Y tế xây dựng phương pháp định giá để cho các cơ sở tự quyết định.
Trước tình trạng có nhiều cơ sở y tế thực hiện việc thu phí khác nhau, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tường Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính cho biết: Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ Y tế đã có chỉ đạo và xây dựng Thông tư quy định xây dựng mức giá khám, chữa bệnh, theo yêu cầu trong năm 2019. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, cũng như kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, Chính phủ yêu cầu tạm dừng chưa thực hiện Thông tư này là do lo ngại ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và khả năng chi trả của người dân.
Hiện nay, theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế đã cơ bản hoàn thành dự thảo Thông tư, lấy ý kiến để chuẩn bị báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước khi ban hành. Dự kiến trong tháng 4/2023, Bộ sẽ ban hành Thông tư khám, chữa bệnh, xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu./.