Đây là hoạt động văn hóa, tâm linh ý nghĩa liên quan tới Tam Tổ Trúc Lâm, giúp cộng đồng hiểu thêm về truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, cũng như những giá trị văn hóa, tâm linh của người Việt từ xưa tới nay.
Tối 20/2, tại Khu Di tích Ngọa Vân (thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) diễn ra chương trình Giao lưu văn hóa tri ân Tam Tổ Trúc Lâm, góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa của tiền nhân.
Sự kiện do Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa Ngọa Vân Yên Tử và Câu lạc bộ Ngôi trường cuộc sống - Sắc màu tự nhiên tổ chức, nhân kỷ niệm 691 năm ngày viên tịch của Đệ nhất giáp tiến sỹ (Trạng nguyên), Đệ Tam Tổ Thiền Phái Trúc Lâm - Huyền Quang.
Tại buổi giao lưu, các đại biểu được nghe Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh chia sẻ về công hạnh Tam Tổ Trúc Lâm và những đóng góp của Đệ Tam Tổ Huyền Quang với Đạo pháp và dân tộc. Tiến sỹ Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng vụ Phật Giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ trò chuyện, chia sẻ về dòng chảy của Phật giáo Trúc Lâm xưa và nay; khách mời chia sẻ về vị trí Thánh địa Ngọa Vân am trong tâm thức người Việt…
Cũng tại buổi giao lưu, đại biểu và các khách mời tham dự thưởng thức một số tác phẩm thơ ca, nhạc về chủ đề Trúc Lâm; trích đoạn cải lương về Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tham dự hoạt động giao lưu với họa sỹ về chủ đề Thiền trong thư pháp, hoạt động viết thư pháp và tặng chữ…
Tiến sỹ Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ, thành viên Ban Tổ chức chia sẻ: Cuộc giao lưu tri ân Tam Tổ Trúc Lâm được tổ chức đúng ngày giỗ lần thứ 691 của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm - Huyền Quang (ngày 23 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tức ngày 20/2/2025). Đây là hoạt động văn hóa, tâm linh ý nghĩa liên quan tới Tam Tổ Trúc Lâm, giúp cộng đồng hiểu thêm về truyền thống Phật giáo Trúc Lâm, cũng như những giá trị văn hóa, tâm linh của người Việt từ xưa tới nay.
Theo Tiến sỹ Bùi Hữu Dược, quá trình nghiên cứu sâu về lịch sử Việt và lịch sử tôn giáo của Việt Nam cho thấy, thành phố Đông Triều, Quảng Ninh là vùng đất chứa đựng nhiều những giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với sự thăng trầm của đất nước. Đây còn là vùng đất thiêng nơi có Thái miếu triều Trần và Thánh địa Phật giáo Việt Nam là Ngọa Vân am, nơi Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu Phật những ngày cuối cùng và nhập Niết bàn, được dựng Phật Hoàng tháp tại đây.
Tiến sỹ Bùi Hữu Dược nhấn mạnh, vua Trần Nhân Tông không chỉ là một vị vua anh hùng trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, mà còn là một bậc minh quân biết vận dụng Phật giáo để gắn kết, ổn định và phát triển đời sống xã hội, quan hệ ngoại giao với các nước lân cận. Được coi là một trong những điển hình tiêu biểu của một bậc minh quân, nhưng Ngài cũng là người mang tinh thần văn hóa dân tộc cao nhất, vì vậy các thế hệ sau này cần hiểu, học tập, phát huy những giá trị đó trong thời đại ngày nay. Đỉnh Ngọa Vân được coi là một trong những điểm linh thiêng, giúp các bậc minh quân như Trần Nhân Tông suy ngẫm về vận mệnh của đất nước và nhân dân. Tại đây, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngai vàng để tu hành, tìm kiếm con đường đưa đất nước và nhân dân đến hạnh phúc, an lạc.
"Chính vì thế, hoạt động Giao lưu văn hóa tâm linh tri ân Tam Tổ Trúc Lâm lần này có ý nghĩa quan trọng, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tâm linh Phật giáo Trúc Lâm từ quá khứ đến hiện tại, đồng thời giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về cội nguồn và những giá trị của Phật giáo Trúc Lâm, cũng như những giá trị văn hóa, tâm linh của người Việt”, Tiến sỹ Bùi Hữu Dược chia sẻ./.
- Từ khóa:
- Giao lưu văn hoá
- tri ân
- Tam Tổ Trúc Lâm
- Quảng Ninh