Những bộ sưu tập Áo dài trình diễn tại chương trình đều là các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, được lấy cảm hứng từ kho tàng di sản văn hóa Việt Nam
Chương trình Áo dài nghệ thuật "Hương sắc Việt Nam" đã diễn ra tối 13/4, tại Hà Nội. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, nhằm kỷ niệm 115 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2025); 1985 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025); tiếp nối thành công của "Tuần lễ Áo dài" từ năm 2019 đến nay.
Bà Ngô Phương Ly, phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; cùng 250 đại biểu là nữ Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và thành phố Hà Nội; các vị khách quốc tế; phu nhân, phu quân các Đại sứ dự chương trình.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến khẳng định: Trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế, từ lâu Áo dài được xem là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam. Áo dài chứa đựng bề dày lịch sử, quan niệm thẩm mỹ, ý thức và tinh thần dân tộc. Trong dòng chảy của lịch sử, Áo dài trở thành nguồn cảm hứng bất tận của sân khấu, hội họa, thơ ca, âm nhạc và thực sự đã trở thành sản phẩm văn hóa đặc trưng, là biểu tượng tinh hoa văn hóa Việt, ẩn chứa vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, mang tâm hồn người Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; đồng thời nhằm quảng bá, lan tỏa những giá trị đặc biệt của Áo dài - một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, từ năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các sự kiện với chủ đề "Áo dài - Di sản Văn hoá Việt Nam" với mục tiêu đưa Áo dài trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia và đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Áo dài là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bên cạnh những điều kiện mang tính pháp lý, một trong các tiêu chí UNESCO đánh giá cao đó là sức sống của di sản trong cộng đồng...
Tiếp nối hành trình đưa các giá trị của Áo dài trở thành Di sản văn hóa thế giới, chương trình Áo dài nghệ thuật "Hương sắc Việt Nam" là tổng hòa các tiết mục ca, múa, nhạc độc đáo khắc họa đậm nét vẻ đẹp tà Áo dài cùng khát vọng vươn cao, vươn xa của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Chương trình nhằm góp phần tôn vinh giá trị của Áo dài trong đời sống, văn hóa, xã hội, đồng thời khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản Áo dài và quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng đến gần gũi hơn với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.
Tại chương trình, các bộ sưu tập Áo dài được trình diễn bởi các hoa hậu, người mẫu, nghệ sĩ, ca sĩ, vũ công chuyên nghiệp và các nữ sinh đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam theo 3 chương: "Tinh hoa Áo dài Việt", "Một vòng Việt Nam", "Hương sắc Việt Nam".
Với chương 1 - Tinh hoa Áo dài Việt, Áo dài được thể hiện qua 5 chủ đề mang đậm tính nhân văn, phản chiếu chiều sâu cảm xúc và phẩm chất cao quý của người phụ nữ qua các mùa trong năm và cung bậc tình yêu: Xuân - Rực rỡ khởi đầu; Hạ - Mạnh mẽ và bền bỉ; Thu - Trầm lắng và sâu sắc; Đông - Bản lĩnh và tinh tế; Vũ khúc Tình Yêu - Lãng mạn và cháy bỏng.
Chương 2 - Một vòng Việt Nam, giới thiệu những bộ sưu tập Áo dài Di sản đầy sáng tạo của hơn 40 nhà thiết kế trưởng thành qua chương trình "Khởi nghiệp từ Áo dài". Mỗi thiết kế là một lát cắt văn hóa sống động, dẫn dắt người xem qua hành trình ba miền Bắc - Trung - Nam, nơi bản sắc địa phương được tôn vinh bằng ngôn ngữ thời trang đậm chất Việt. Hành trình ấy khép lại tại trái tim Tổ quốc - Thủ đô Hà Nội, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa, đánh dấu diện mạo mới của Áo dài Việt Nam - thanh lịch, bản lĩnh và đầy khát vọng.
Hương sắc Việt Nam - chương 3 là sự ra mắt bộ sưu tập "Áo dài mang Biểu trưng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam". Lấy cảm hứng từ biểu tượng chim bồ câu trong Biểu trưng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại diện cho hòa bình, tự do và khát vọng vươn xa, hình ảnh cách điệu cánh chim bồ câu xuất hiện trong các thiết kế của bộ sưu tập do Nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam sáng tạo mang đến một góc nhìn mới về sự kết nối giữa truyền thống và tinh thần nữ giới thời đại, không chỉ tôn vinh nét đẹp Áo dài mà còn lan tỏa thông điệp ý nghĩa về sự vươn cao, bay xa của phụ nữ Việt trong hành trình làm chủ tương lai, hội nhập và tỏa sáng toàn cầu.
Dẫn nối vào 3 chương là các clip về các nhân vật phụ nữ truyền cảm hứng, truyền tải thông điệp theo nội dung các chủ đề của chương trình.
Những bộ sưu tập Áo dài trình diễn tại chương trình đều là các tác phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc, được lấy cảm hứng từ kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, cảnh sắc thiên nhiên ba miền, cùng tinh thần giao lưu văn hóa quốc tế, thể hiện vẻ đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, góp phần từng bước đưa các giá trị của Áo dài Việt Nam trở thành Di sản văn hóa thế giới, đồng hành cùng hình ảnh người phụ nữ Việt trên hành trình phát triển bền vững và vươn xa trong thời đại mới./.
- Từ khóa:
- Hương sắc Việt Nam
- trình diễn áo dài