Môi trường

Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đề xuất có quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi đấu giá quyền sử dụng đất

Đà Nẵng

Các đại biểu đề nghị, nghiên cứu lại việc đề xuất bắt buộc phải có quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản pháp luật có liên quan…

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

TTXVN - Ngày 28/2, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học thảo luận, góp ý Luật Đất đai (sửa đổi). 250 đại biểu là lãnh đạo Thành ủy, UBND, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các lãnh đạo sở ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp… đã tham dự.

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Bí thư Thành ủy đề nghị, các sở, ngành, địa phương tích cực tham gia góp ý các điểm mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm giải quyết các vấn đề bất cập tồn tại trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai; nhất là các vướng mắc, khó khăn khi thực hiện các kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Bản án của Tòa án nhằm khơi thông nguồn lực về đất đai, nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Theo ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các bộ, ngành, địa phương cần tích cực phối hợp trong xây dựng, đổi mới quy định pháp luật về đất đai theo tinh thần Trung ương đã chỉ đạo. Luật Đất đai sau khi sửa đổi phải giải quyết được các khó khăn, vướng mắc thực tế tại các địa phương trong quá trình triển khai, áp dụng; đồng thời, để pháp luật về đất đai và hệ thống pháp luật liên quan tạo thành một thể thống nhất, đồng bộ, không gây chồng chéo. Thực tế, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong xác định giá đất đảm bảo phù hợp với giá thị trường. Dự thảo Luật sẽ tiếp tục đổi mới về dữ liệu thông tin, bỏ khung xác định giá đất của Chính phủ; yêu cầu các địa phương xác định bảng giá đất từng địa phương sao cho sát với giá thị trường, đúng với thực tiễn triển khai.

Hội thảo có hai phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề thảo luận, góp ý theo các nhóm chủ đề như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; phát triển quỹ đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính; dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực…

Tại các phiên chuyên đề, các đại biểu đã có nhiều tham luận, đóng góp thiết thực đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như: hiện nay, bên cạnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao còn có khu công nghệ thông tin. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thấy đề cập đến khu công nghệ thông tin. Các đại biểu đề nghị, nghiên cứu lại việc đề xuất bắt buộc phải có quy hoạch chi tiết 1/500 trước khi đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để tránh mâu thuẫn, chồng chéo đối với các văn bản pháp luật có liên quan, tránh tình trạng quy hoạch treo…

Một số ý kiến đề xuất, bảng giá đất nên được đánh giá, xây dựng sau khoảng thời gian 5 năm. Đó là khoảng thời gian đủ dài để mặt bằng giá đất thay đổi lớn, tránh gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng ghi tên đầy đủ thành viên trên giấy chứng nhận để thuận tiện cho người dân khi thực hiện các quyền của người sử dụng đất…

Theo ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, Sở cùng các sở, ban, ngành đã khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn thành phố. Các cấp quận, huyện, phường, xã đã tổ chức ít nhất 1 hội nghị lấy ý kiến. Các cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố cũng tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật lần này. Qua Hội thảo, Sở tiếp tục tập hợp các ý kiến cụ thể từ những vướng mắc thực tiễn để báo cáo UBND thành phố Đà Nẵng gửi đến Cơ quan soạn thảo quốc gia tổng hợp, hoàn thiện trong thời gian tới./.

Quốc Dũng

Xem thêm