Môi trường

Bình Dương quyết liệt triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Bình Dương

Tỉnh Bình Dương đã hợp tác với các chuyên gia Nhật Bản và quyết liệt triển khai những giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường.

Nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp Vsip II Bình Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Bình Dương có tốc độ công nghiệp hóa diễn ra nhanh cùng với quá trình đô thị hóa nên chịu nhiều áp lực về môi trường. Do đó, công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường được tỉnh chủ động thực hiện và mở rộng cả về phạm vi và quy mô, không để phát sinh các điểm “nóng”.

Theo đó, lãnh đạo và ngành chức năng của tỉnh đã hợp tác, có nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia Nhật Bản cũng như quyết liệt triển khai những giải pháp, hành động thiết thực bảo vệ môi trường trong việc xử lý chất thải; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và năng lượng tái tạo. Bước đầu, tỉnh đã thu được những kết quả tích cực.

Trên địa bàn Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp với diện tích gần 11.000ha, trong đó có 27 khu công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ cho thuê đạt trên 90%. Các khu công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và camera quan sát. Kết quả quan trắc, giám sát cho thấy, tổng lưu lượng nước thải từ các khu công nghiệp là gần 290.000 m3/ngày; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung tương đối tốt, cơ bản đạt 100%; nước thải sau xử lý thường xuyên đạt quy chuẩn về môi trường.

Bình Dương đã tái lập Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất về tình hình chấp hành bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý những hành vi né tránh, đối phó của các doanh nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đã có nhiều cách làm quyết liệt, các điểm mới, nội dung quan trọng của các quy định pháp luật môi trường đã được tỉnh đã đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở; gửi văn bản tới các sở, ban, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp, chủ đầu tư các khu - cụm công nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp để nghiên cứu áp dụng và in ấn các tài liệu về Luật Bảo vệ môi trường, phân phối đến các cơ quan, ban, ngành và các đơn vị có liên quan.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương có kế hoạch tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh công bố Bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tập trung đánh giá, phân tích việc thực hiện chỉ số PAR Index, PCI, PAPI trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh giải quyết 100% thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4; tiếp tục thực hiện “Chính quyền thân thiện, Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”.

Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cũng đã có buổi làm việc với các chuyên gia Nhật Bản chia sẻ các vấn đề về bảo vệ môi trường cho tỉnh Bình Dương như hiện trạng và định hướng phát triển tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo tại Nhật Bản; các hoạt động hướng tới không phát thải carbon (năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng tại thành phố Sakai thuộc tỉnh Osaka, Nhật Bản); các hoạt động kiểm tra tuân thủ các quy định về nước thải và các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong hệ thống nước thải (thành phố Osaka); công nghệ và thiết bị tiết kiệm, tái tạo năng lượng trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải của các doanh nghiệp thuộc Team E Kansai…

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26- năm 2021), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Với mục tiêu đào tạo nhân lực ngành môi trường; tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái sinh, ứng dụng công nghệ trong quản lý và bảo vệ môi trường… trên địa bàn tỉnh, các dự án hợp tác về môi trường với các đối tác Nhật Bản sẽ góp phần thiết thực để thực hiện cam kết trên. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận kinh nghiệm quản lý và ứng dụng trong công nghệ số, điều khiển tự động nhằm tối ưu hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là tiếp cận các thiết bị môi trường và thiết bị quan trắc chất lượng nước thải, khí thải tự động, tiết kiệm năng lượng.

Ông Hosokawa Yoichi - Vụ trưởng Vụ Giao thương, Cục Kinh tế Thương mại và Công nghiệp vùng Kansai (Meti Kansai), Nhật Bản mong muốn sẽ giúp Bình Dương trở thành địa phương đi đầu tại Việt Nam trong bảo vệ môi trường gắn với phát triển công nghiệp; khẳng định Nhật Bản luôn đồng hành cùng Bình Dương bằng việc cử các chuyên gia môi trường sang, cũng như ngày càng mở rộng thêm nhiều chương trình đào tạo nguồn nhân lực về môi trường. Qua đó, giúp Bình Dương thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại tỉnh vì môi trường sản xuất công nghiệp thân thiện.

Ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương hy vọng, thông qua các hoạt động như: Trao đổi, giới thiệu các kiến thức quản lý môi trường của các cơ quan quản lý Nhật Bản; khảo sát hiện trạng và tham quan công tác bảo vệ môi trường tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Nhật Bản... các nhà khoa học, chuyên gia từ Nhật Bản sẽ có những giải pháp hỗ trợ tỉnh khắc phục và nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu phát triển Bình Dương theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại./.

Huyền Trang

Xem thêm