Mặc dù đã tăng cường kiểm tra các vi phạm nhưng biện pháp xử lý chưa đủ mạnh nên tình trạng khai thác cát, sỏi trái quy định vẫn tiếp diễn ở Hà Giang
Ngày 12/10, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Hà Giang, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, xử lý nghiêm nhiều đối tượng tham gia vụ khai thác cát trái phép tại thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 10/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Giang thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Phúc (sinh năm 1979) và Vũ Việt Hưng (sinh năm 1999) cùng trú tại khu Đồng Tâm, thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên” quy định tại điều 227, Bộ luật Hình sự.
Theo tài liệu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hà Giang), từ tháng 2 - 5/2022, Nguyễn Thị Phúc và Vũ Việt Hưng đã thuê một số đối tượng sử dụng phương tiện, máy móc thực hiện hành vi khai thác khoáng sản (cát, sỏi) trái phép với khối lượng lớn tại khu vực lòng sông Con, thuộc sông Bạc, thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo và thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.
Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản. Nơi đây có 3 sông lớn chảy qua là sông Lô, sông Gâm và sông Chảy, cung cấp nguồn tài nguyên cát, sỏi dồi dào. Toàn tỉnh có 171 điểm mỏ cát, sỏi được quy hoạch với tổng diện tích lên đến 436,22 ha; trữ lượng dự kiến gần 11,6 triệu m3. Trong đó, điểm mỏ tập trung nhiều nhất ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Xín Mần, Hoàng Su Phì, thành phố Hà Giang và huyện Quang Bình.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hà Giang, thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cấp, ngành được tăng cường nhưng biện pháp xử lý chưa đủ mạnh để chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái quy định. Việc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương cấp cơ sở còn bị động, chưa quyết liệt, chưa huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc. Công tác phối hợp trong quản lý khoáng sản giữa các địa phương giáp ranh địa giới hành chính thiếu chặt chẽ và đồng bộ... Vì vậy, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái quy định vẫn tiềm ẩn và diễn ra ở một số địa phương, nhất là trên dòng sông Lô. Bất cập trên gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, sạt lở bờ, bãi ven sông, làm mất đất sản xuất, gây nguy cơ mất an toàn một số công trình hạ tầng kỹ thuật, thất thoát tài nguyên, thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, thậm chí gây mất an ninh trật tự trong khu vực./.
- Từ khóa:
- Khai thác cát trái phép