Việc tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh thời gian qua đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
TTXVN - Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Hà Nam đạt 1,8 triệu lượt người (trong đó khách nội địa là hơn 1,7 triệu lượt, khách quốc tế là 28.000 lượt). Tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.457,7 tỷ đồng. Số lượng và doanh thu du lịch bằng khoảng 50% năm 2022 - năm mở cửa du lịch sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Với mong muốn một năm mới bình an, mạnh khỏe, may mắn đầu Xuân, các điểm đến tâm linh gắn với danh lam thắng cảnh luôn hấp dẫn du khách. Ở Hà Nam có nhiều ngôi chùa, lễ hội, vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa có cảnh đẹp thu hút du khách. Đây chính là nguồn tài nguyên phong phú để khai thác các hoạt động du lịch hành hương lễ hội, tâm linh ở địa phương phát triển.
Hàng năm, tại Hà Nam có hàng trăm lễ hội truyền thống được duy trì, tổ chức vào dịp đầu năm mới. Riêng từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch đã có hàng chục lễ hội được phục dựng, khai mở như: Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn, Lễ hội Xuân chùa Tam Chúc, Lễ hội phát ấn Đền Trần Thương, chùa Bà Đanh (Kim Bảng), chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Phật Quang (Thanh Liêm)... Trong các lễ hội còn giữ được nhiều trò chơi dân gian như nấu cơm thi, dệt vải thi, bơi thuyền, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, thi vẽ trang trí trâu…
Bà Nguyễn Thị Tương (du khách tỉnh Ninh Bình) cho hay, mỗi dịp đầu năm, bà thường cùng con cháu tham dự lễ hội của các địa phương. Năm nay, gia đình bà dự lễ tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) để cầu một năm mưa thuận gió hòa, cầu bình an và chiêm ngưỡng cảnh quan tại địa danh này.
Anh Trương Quốc Huy (Hà Nội) vui mừng khi lần đầu dự Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần tại Đền Trần Thương. Anh Huy chia sẻ, năm nay, anh đã sắp xếp được công việc để đến đây trải nghiệm nét đẹp văn hóa dân tộc thông qua lễ hội này.
Thời gian tới, sau khi du lịch lễ hội đầu năm "giảm nhiệt", để tiếp tục thu hút du khách, tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức các sự kiện nổi bật của tỉnh, đăng cai tổ chức các hội thi, liên hoan văn hóa, văn nghệ, các hội nghị xúc tiến du lịch, các giải thể thao trong nước và quốc tế. Vào tháng 5/2023, tại Hà Nam sẽ diễn ra Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản và Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam năm 2023 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam Mai Thành Chung cho biết, thời gian tới, ngành sẽ chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các quy hoạch. Trong đó, ngành sớm hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng của Khu du lịch Tam Chúc, làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư vào các khu chức năng; làm tiền đề thu hút các dịch vụ du lịch chất lượng cao, thúc đẩy hình thành các tuyến du lịch theo chuỗi. Địa phương sẽ rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề có giá trị, làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch - dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh. Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng khung trong Khu du lịch Tam Chúc; tập trung hoàn thiện các công trình chính, điểm nhấn, công trình giao thông kết nối khu du lịch với Quốc lộ 1A và Bái Đính-Tràng An (Ninh Bình); mở rộng các hoạt động tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng các danh mục kêu gọi dự án đầu tư; đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Việc tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh, thỏa mãn nhu cầu hành hương của du khách trên các tuyến hành trình, khu, điểm du lịch thời gian qua đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương./.
- Từ khóa:
- Hà Nam
- Phát triển
- du lịch
- lễ hội
- tâm linh