Môi trường

Hà Nam tập trung xây dựng mô hình mẫu về “Chống ô nhiễm nhựa"

Hà Nam

Hà Nam phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có môi trường xanh - sạch - đẹp.

Trồng cây xanh hưởng ứng Ngày môi trường Thế giới (5/6) tại xã An Nội, huyện Bình Lục. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

TTXVN - Ngày 2/6, tại xã An Nội, huyện Bình Lục, UBND tỉnh Hà Nam tổ chức lễ phát động Tháng cao điểm hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (8/6) và Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2023.

Phát biểu tại lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng cho biết, với quan điểm "Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế", Hà Nam phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP nằm trong tốp đầu của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có môi trường xanh - sạch - đẹp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành đoàn thể tăng cường quán triệt, triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách pháp luật, chương trình, đề án, kế hoạch về bảo vệ môi trường của Trung ương, của tỉnh; đa dạng hóa mô hình, hoạt động tuyên truyền về bảo vệ môi trường; vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường.

Các huyện, thành phố, thị xã tập trung xây dựng ít nhất một mô hình mẫu về “Chống ô nhiễm nhựa" và nhân rộng mô hình đã phát huy hiệu quả như “đổi rác tái chế lấy quà”, nói không với nylon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường của Đoàn Thanh niên...

Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng, đồng thời tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ tiến tiến để tái chế chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa. Cùng với đó là đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, khu vực Tây sông Đáy, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, xử lý chất thải chăn nuôi, khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất...

Hà Nam là một trong những địa phương có địa hình đa dạng, có núi, rừng, sông ngòi và sở hữu nhiều nguồn gen quý, hiếm như: voọc mông trắng, culi, khỉ mốc… Song song với sự phát triển kinh tế, Hà Nam đang đối mặt với những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu, tình trạng suy thoái về đa dạng sinh học, đất đai, vấn đề ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường đất, môi trường không khí, ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa, nylon ngày càng nghiêm trọng.

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực thi hiệu quả pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tăng cường tái chế, tái sử dụng; chú trọng thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững, thông qua việc ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ, cải thiện môi trường, đặc biệt là Chương trình số 28 của Tỉnh ủy về xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ…/.

Nguyễn Chinh

Xem thêm