Kiều bào về quê đón Tết tại Thủ đô là khích lệ rất lớn cho mong muốn, nỗ lực của Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, thu hút nhân tài người Việt trở về từ mọi quốc gia nhằm xây dựng và phát triển Thủ đô xanh, thông minh, hiện đại.
Chiều 19/1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu về dự Chương trình “Xuân quê hương 2025”. Tham dự buổi tiếp có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng cùng đại diện các ban, ngành thành phố Hà Nội.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, việc các kiều bào về quê đón Tết tại Thủ đô Hà Nội chính là sự khích lệ rất lớn cho mong muốn và nỗ lực của Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, thu hút nhân tài người Việt trở về từ mọi quốc gia nhằm xây dựng và phát triển thủ đô xanh, thông minh, hiện đại.
Khái quát những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong năm 2024, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh kêu gọi các trí thức trẻ, người lao động, doanh nhân gốc Việt hãy cùng chung tay xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đồng thời khẳng định, thành phố tiếp tục mở rộng mô hình đổi mới sáng tạo tới khối doanh nghiệp và các sở, ngành trực thuộc, nhằm thu hút các doanh nghiệp, trường đại học, giới trí thức trong và ngoài nước cùng chung tay giải quyết các bài toán cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực.
Bày tỏ mong muốn các kiều bào tiếp tục đóng góp xây dựng thành phố Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, kinh tế đầu tàu của đất nước và khu vực, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có một số hoạt động kết nối kiều bào với các địa phương trong cả nước. Năm 2025, đất nước có nhiều hoạt động kỷ niệm lớn, trọng đại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao hy vọng, trong thời gian tới, các đại biểu kiều bào gồm những trí thức, doanh nhân tiêu biểu với tài năng, nhiệt huyết và tình yêu quê hương sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước nói chung và của Hà Nội nói riêng.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của thành phố Hà Nội trong việc thực hiện công tác về người Việt Nam ở nước ngoà; mong muốn trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh triển khai công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cùng trao đổi, tìm ra những cách làm mới, nhằm không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác, đáp ứng tốt hơn những mong mỏi, nguyện vọng của bà con kiều bào.
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu kiều bào đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cụ thể để xây dựng, phát triển thành phố Hà Nội. Theo ông Võ Toàn Trung, kiều bào tại Pháp, khoa học công nghệ có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô, đồng thời kiến nghị thành phố tạo cơ chế thuận lợi cho các nhà khoa học kiều bào trở về đầu tư ở Hà Nội; tạo sân chơi mở cho khoa học công nghệ để những trí thức kiều bào được trở về đóng góp tại những hội thảo khoa học; tạo cơ chế tài chính thông thoáng cho kiều bào trong các dự án cũng như đề tài khoa học có tính ứng dụng cao cho sự phát triển của thành phố.
Còn ông Nguyễn Thế Anh, kiều bào tại Mỹ cho rằng, Hà Nội cần tổ chức các cuộc hội thảo để giới thiệu về thành phố và quan tâm tới công tác số hóa. Là người hoạt động trong lĩnh vực kiến trúc, ông cho biết, Hà Nội có rất nhiều công trình cổ nên việc số hóa di sản để mọi người chiêm ngưỡng, phục vụ công tác bảo tồn có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh tới bạn bè thế giới.
Thủ đô Hà Nội có điều kiện tự nhiên và giao thông thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, không chỉ là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, mà còn có vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của đất nước. Những năm qua, mặc dù bối cảnh tình hình an ninh, chính trị thế giới và khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, song, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Năm 2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo thể chế, hành lang pháp lý quan trọng, cơ hội để Hà Nội phát huy tiềm năng, nội lực bước vào kỷ nguyên mới. Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua với cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Thủ đô phát huy quyền tự chủ, tháo gỡ các nút thắt trong quản lý, huy động nguồn lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đây là công cụ pháp lý để thành phố thực hiện các nhiệm vụ chiến lược theo Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, hướng tới mục tiêu: Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quyết định Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.
Sau buổi gặp mặt, các kiều bào đã tham dự tiệc chiêu đãi “Về quê hương ăn Tết” do UBND thành phố Hà Nội chủ trì./.