Các cấp, ngành liên quan vào cuộc quyết liệt khắc phục ngay sự cố do bão gây ra.
Tối 8/9, Chủ tịch UBND thành phố cũng ký ban hành Công điện số 12 về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.
Theo đó, theo đó yêu cầu các cấp, các ngành liên quan vào cuộc quyết liệt khắc phục ngay sự cố do bão gây ra.
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các trường hợp người bị thương do ảnh hưởng của bão đang nằm điều trị tại các bệnh viện; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai phương án tiêu độc, khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh, đảm bảo an toàn, sức khỏe của nhân dân.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người mất và bị thương xảy ra trước, trong và sau bão.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc đảm bảo điều kiện an toàn tuyệt đối cho học sinh quay lại trường học, phù hợp chương trình học tập theo khung năm học 2024-2025 đảm bảo đúng quy định.
Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND cấp xã phối hợp cùng các đơn vị quản lý duy trì cây xanh tập trung toàn bộ nhân lực, trang thiết bị khẩn trương triển khai ngay giải tỏa cây đổ, cành gãy, xử lý thu dọn cây đổ, cành gãy, dựng lại cây, trồng thay thế và dọn vệ sinh; bảo đảm nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt phục vụ người dân.
Giám đốc Sở Công Thương đảm bảo dự trữ hàng hóa phục vụ cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân; giữ ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa các mặt hàng thiết yếu; phối hợp với Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các địa phương chỉ đạo kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân…
Theo báo cáo nhanh mới nhất, tính đến tối 8/9, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 25.156 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 24.807 cây, tập trung nhiều ở các địa bàn: Hoàng Mai, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm,… Cây đổ đã gây ra các thiệt hại về người và làm một số phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng bị hư hại.
Huyện Thạch Thất sạt lở 150m3 đất tại xã Yên Bình, Thạch Xá. Huyện Chương Mỹ sạt lở 5m đê Bùi II, ngập 300m đường giao thông nội đồng, 2.740m đường giao thông nông thôn, 33 hộ, 5 xóm, 1 nhà văn hóa, 2 di tích bị ngập, 1400m2 chuồng trại bị sập, đổ, 10.388 mái tôn bị tốc, hỏng, 115 cột điện bị gãy đổ.
Huyện Quốc Oai sạt lở 6m tại điếm canh đê, 2 cột điện bị đổ, 10 mái tôn bị tốc mái, 20m đường giao thông bị sạt lở. Huyện Ba Vì sạt lở 10m mái đê hữu Hồng, xuất hiện hiện tượng sụt lún cơ kè tại đê hữu hồng tại xã Cổ Đô, đổ gãy 13 cột điện, sập đổ 1 nhà bếp, 7 hộ bị ngập tại xã Thuần Mỹ đã được di dời an toàn, 8 thuyền đánh cá bị chìm ở xã Cổ Đô và Chu Minh, 2.030 gia cầm bị chết.
Mưa bão tối 7/9 khiến một số địa phương trên địa bàn thành phố bị mất điện diện rộng.
Về tình hình ngập úng, khu vực nội thành, do mưa lớn, tập trung, đã xuất hiện khoảng 20 điểm úng ngập khu vực đô thị lúc 00 giờ ngày 8/9, đến sáng cùng ngày đã không còn tình trạng úng, ngập. Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm hiện tại mưa lớn làm cho 593,6 ha diện tích lúa, 231,8 ha rau màu bị ngập; 14.969,7 ha lúa và 973,4 ha rau màu bị đổ; 126,3 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.
Đợt thiên tai đã làm 4 người chết và 17 người bị thương, trong đó có 1 người chết và 10 người bị thương trong bão; số người chết và bị thương còn lại xảy ra trước khi bão vào Hà Nội do dông lốc, gió giật mạnh, cây đổ từ chiều 6/9.
Thành phố đang huy động lực lượng ứng trực và vào cuộc khắc phục hậu quả trên mọi lĩnh vực./.
- Từ khóa:
- Hà Nội
- tập trung cao độ
- khắc phục hậu quả
- bão số 3