Huyện Gia Lâm là đầu mối giao thông, phát triển kinh tế quan trọng kết nối giữa các tỉnh phía Bắc và Hà Nội...
TTXVN - Ngày 24/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã chủ trì hội nghị Thường trực Thành ủy làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nêu rõ, trong 5 huyện đang xây dựng đề án phát triển thành quận, Gia Lâm là huyện có khả năng hoàn thành sớm nhất. Vì vậy, để góp phần hoàn thành chỉ tiêu tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (phấn đấu đến năm 2025 có 3 - 5 huyện phát triển thành quận); cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp của huyện cần tập trung quyết liệt thực hiện đề án.
Bí thư Thành ủy yêu cầu huyện cần chủ động làm việc với Sở chuyên ngành của thành phố để được hướng dẫn, thống nhất các tiêu chí, tiêu chuẩn thành lập quận, phường theo quy định tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung hoàn thành các tiêu chí thành lập quận chưa đạt, đặc biệt các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại cấp đô thị; tiêu chí Trung học Phổ thông đạt chuẩn quốc gia; tiếp tục phối hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác quy hoạch trên địa bàn... Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm hoàn thành xây dựng dự thảo đề án, báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đoàn khảo sát của các bộ, ngành; chuẩn bị cho công tác tổ chức lấy ý kiến cử tri và kỳ họp HĐND các cấp về dự thảo đề án; chuẩn bị hồ sơ, báo cáo thành phố theo đúng kế hoạch, lộ trình đề ra.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế nhanh, bền vững; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 16 - CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh về vị trí, quy hoạch, giao thông để phát triển kinh tế - xã hội.
Gia Lâm cần tập trung thu hút nguồn lực bên ngoài tạo ra thế và lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả, bền vững; tiếp tục thực hiện các giải pháp tích cực để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, phát huy vai trò chủ lực của công nghiệp, xây dựng; chú trọng khai thác các nguồn thu còn dư địa; triệt để tiết kiệm chi để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu ngân sách vượt dự toán thành phố giao...
Theo Bí thư Thành ủy, huyện Gia Lâm cần phát huy lợi thế, tập trung phát triển mạnh thương mại, dịch vụ, du lịch tâm linh kết hợp với du lịch làng nghề theo quy hoạch đã được phê duyệt; chú trọng đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch và có định hướng khai thác tốt hơn nữa làng nghề Bát Tràng, du lịch xã Phù Đổng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển các loại hình du lịch (du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh); xây dựng phương án, kịch bản thu hút du lịch thời kỳ sau đại dịch COVID -19...
Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, huyện Gia Lâm cần thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Chính phủ và thành phố, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; kêu gọi đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành các dự án cụm công nghiệp đã có chủ trương đầu tư trên địa bàn; kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm...
Trên địa bàn huyện Gia Lâm có 320 di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng kháng chiến, trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, 3 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia và 100 lễ hội truyền thống. Huyện là đầu mối giao thông, phát triển kinh tế quan trọng kết nối giữa các tỉnh phía Bắc và Hà Nội...
Để phát huy lợi thế, tiềm năng này, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị huyện Gia Lâm phải tính toán kỹ, phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. “Gia Lâm đậm đặc các di tích văn hóa và truyền thống nhưng việc khai thác để phát triển kinh tế mới đi bước đầu tiên. Phát triển công nghiệp văn hóa không phải là chỉ kể câu chuyện của mình cho người làng nghe, mà phải kể câu chuyện của làng mình cho người thiên hạ nghe bằng ngôn ngữ đại chúng để tất cả mọi người đều có thể tiếp nhận được”, ông Nguyễn Văn Phong phân tích.
Theo Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà, dịch COVID-19 được kiểm soát, kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và có bước tăng trưởng khá, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý đều tăng trên 10,5% so với cùng kỳ, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện năm 2022 cao gấp 1,5 lần năm trước. Năm 2022 là năm đầu tiên huyện Gia Lâm tự đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. Đến nay, huyện Gia Lâm cũng đã hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao ở 15 xã, trong đó có 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Huyện cũng chỉ đạo, triển khai quyết liệt hoàn thiện các tiêu chí thành lập quận và các phường thuộc quận...
Theo định hướng, huyện Gia Lâm sẽ phát triển lên quận vào năm 2023. Huyện là khu vực phát triển mới của đô thị trung tâm, kết hợp cải tạo, chỉnh trang cơ sở hạ tầng đô thị, là đô thị cửa ngõ phía Đông Bắc của Hà Nội. Đồng thời huyện cũng sẽ thực hiện chức năng, vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông Hà Nội; có các trung tâm đào tạo dịch vụ y tế cấp vùng; các trung tâm thương mại tài chính; hành lang xanh của thành phố dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống.
Để đạt được mục tiêu trên, huyện Gia Lâm đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, đối với đề án thành lập quận, thành phố chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt đảm bảo theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra. Các Sở Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các tiêu chí thành lập quận, phường chưa đạt. Thành phố chỉ đạo các Sở chuyên ngành sớm hướng dẫn huyện thống nhất phương án tính toán, xác định các tiêu chí thành lập quận…/.