Đồng bào dân tộc thiểu số trong diện được hưởng chính sách này sẽ được hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất nông nghiệp; hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở; hỗ trợ về phí, lệ phí trong quá trình thực hiện các thủ tục đất đai…
Tại phiên họp thường kỳ tháng 8 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, tổ chức ngày 5/8, các thành viên UBND tỉnh đã xem xét, thảo luận nghị quyết để trình HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.
Về chính sách này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Khắc Toản đề nghị cần rà soát lại các quy định, tiêu chuẩn cụ thể, tình hình thực tiễn tại các địa phương để áp dụng nghị quyết. Các địa phương cũng phải rà soát lại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn theo đúng các quy định của Trung ương.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản giao thành phố Chí Linh rà soát lại hiện trạng thực tế của địa phương; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đánh giá thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định 102/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Theo đó, Nghị quyết khi ban hành sẽ được áp dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã, phường thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đất sinh hoạt cộng đồng. Các cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mà chưa có đất ở, không còn hoặc thiếu đất ở so với hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh; chưa có đất nông nghiệp, không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% so với hạn mức giao đất nông nghiệp; có nhu cầu thuê đất phi nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh.
Đồng bào dân tộc thiểu số trong diện được hưởng chính sách này sẽ được hỗ trợ đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất nông nghiệp; hỗ trợ thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở; hỗ trợ về phí, lệ phí trong quá trình thực hiện các thủ tục đất đai… theo đúng quy định của pháp luật.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có gần 11.000 người dân tộc thiểu số của 53 dân tộc, sinh sống rải rác ở cả 12 huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Hải Dương hiện chỉ có 2 xã thuộc thành phố Chí Linh là Bắc An và Hoàng Hoa Thám là xã khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng số 3.419 người dân tộc thiểu số, 191 hộ gia đình (gồm người Sán Dìu, người Hoa và người Tày).
Hết năm 2023, theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, Hải Dương có 27 hộ nghèo dân tộc thiểu số (có 76 nhân khẩu), 31 hộ cận nghèo dân tộc thiểu số (có 83 nhân khẩu). Trong đó, tại 2 xã Bắc An và Hoàng Hoa Thám có 7 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, 100% các thôn, làng có nhà văn hóa, tủ sách, sân chơi thể thao, có đội văn nghệ, có đủ thiết chế văn hóa tại cơ sở, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cộng đồng; 100% các làng đều đạt danh hiệu làng văn hóa. Người dân tộc thiểu số cơ bản có việc làm ổn định hoặc tham gia lao động sản xuất nên chất lượng đời sống ngày càng nâng cao. Người dân tộc thiểu số sinh sống ổn định, không còn hiện tượng di canh, di cư.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh, hiện trên địa bàn thành phố không có hộ đồng bào dân tộc nào thiếu đất ở, nhà ở dột nát, thiếu nước sinh hoạt cần phải hỗ trợ; không có tình trạng di cư tự do nên các địa phương không phải sắp xếp giao đất ở cho các hộ mới đến sinh sống.
Đối với đất sản xuất nông, lâm nghiệp, hiện các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được giao đất theo hạn mức giao đất chung của tỉnh. Thực tế hiện nay, các hộ người dân tộc thiểu số thuộc thành phố Chí Linh đang sử dụng khoảng trên 1.000ha đất nông, lâm nghiệp để phục vụ sản xuất, bình quân khoảng 1,3ha/hộ, không có hộ thiếu đất sản xuất nông, lâm nghiệp./.