Hải Dương: Lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và khẳng định đây là quyết định đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.
Ngày 20/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương đã tổ chức hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và khẳng định đây là quyết định đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước. Các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 đã thể hiện sâu sắc tính dân chủ, trọng tâm sửa đổi các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội; khẳng định rõ hơn vai trò trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội; phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hướng vào các quy định về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, hướng đến việc chuyển đổi từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, kết thúc hoạt động của cấp huyện. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hệ thống chính trị, về tổ chức chính quyền địa phương giảm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, giúp các cơ quan nhà nước tập trung nguồn lực, gần gũi hơn với người dân, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Các ý kiến đề nghị tiếp tục làm rõ vai trò, vị thế, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.
Theo đại biểu Đoàn Quang Định, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Hải Dương, việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 đã khẳng định rõ hơn vị thế của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Việc quy định các tổ chức chính trị - xã hội (Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh) trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động thống nhất dưới sự chủ trì của Mặt trận là một bước đi quan trọng. Điều này tạo cơ sở cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng.
Ông Đoàn Quang Định đề nghị dự thảo cần làm rõ về nội hàm cụm từ “trực thuộc”. Như vậy có phải các tổ chức thành viên trở thành những đơn vị trực thuộc Mặt trận Tổ quốc về mặt hành chính không? Trực thuộc có bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là tự nguyện và hiệp thương không?
Đại biểu Lương Anh Tế, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế - xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng cho rằng, nên bổ sung từ “Cơ quan” trước từ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, với ý nhập cơ quan lãnh đạo của các tổ chức chính trị xã hội vào Mặt trận, không nhập tổ chức chính trị xã hội.
Các ý kiến cũng đề nghị lược bỏ một số câu, từ, đề xuất điều chỉnh một số nội dung trong các khoản tại Điều 9 của Hiến pháp 2013 theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, không triệt tiêu tính đặc thù của các tổ chức thành viên, đồng thời vẫn nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đối với khoản 3 Điều 110, đại biểu đề nghị cần quy định, xác lập rõ các đơn vị hành chính trong Hiến pháp sửa đổi; giữ nguyên nội dung lấy ý kiến nhân dân khi thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính để đảm bảo tính dân chủ và lựa chọn cách lấy ý kiến nhân dân hợp lý để mang lại hiệu quả thực chất.
Liên quan đến điều chỉnh phạm vi, đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, các ý kiến đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân. Có ý kiến đề xuất nên mở rộng thêm đối tượng chịu sự chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tại hội nghị, một số đại biểu cho rằng hiện nay, việc lấy ý kiến nhân dân tại khu dân cư đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp còn hình thức và mong muốn Trung ương chỉ đạo để có cách làm hiệu quả, thực chất. Về kỹ thuật văn bản, các ý kiến đề nghị cần theo hướng rõ ràng hơn, ngắn gọn, dễ hiểu hơn và kế thừa được cách viết của các bản Hiến pháp trước./.