Xã hội

Hải Phòng kiên cường và phát triển không ngừng: Câu chuyện về lòng tự hào và ý chí quật cường

Hải Phòng

Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của Tổ quốc, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Một góc thành phố Hải Phòng. 
Ảnh: An Đăng -TTXVN

Thời khắc lịch sử ngày 13/5/1955 đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khi những lính Pháp cuối cùng rời khỏi Hải Phòng, mở ra một trang mới trong hành trình xây dựng và phát triển của thành phố. Nhân dân Hải Phòng - Kiến An cùng nhân dân miền Bắc đã chính thức làm chủ cuộc sống, bắt đầu một thời kỳ đầy khát vọng và quyết tâm. Trải qua 70 năm, Hải Phòng không ngừng vươn lên, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại của đất nước, tạo nên dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc. Những thành tựu này không chỉ thể hiện sức mạnh của thành phố mà còn khẳng định vị thế của một trung tâm kinh tế lớn, tiếp tục bước đi vững chắc trong thời kỳ mới.

Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết với chủ đề "Hải Phòng kiên cường và phát triển không ngừng", minh chứng cho nỗ lực và khát vọng vươn tầm của thành phố nơi đầu sóng. 

Bài 1: Câu chuyện về lòng tự hào và ý chí quật cường

Ngày 13/5/1955, những binh lính Pháp cuối cùng rời khỏi thành phố Hải Phòng, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Những năm tháng hào hùng ấy không chỉ là dấu ấn lịch sử, mà còn là động lực để Hải Phòng vươn lên mạnh mẽ trong thời kỳ mới.

*Ký ức hào hùng

Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, “phên dậu” phía Đông của Tổ quốc, có vị thế chiến lược trong toàn bộ tiến trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Người dân nơi đây với tinh thần yêu nước nồng nàn, tính cách dũng cảm, kiên cường, năng động, sáng tạo, đã chứng kiến và tham gia vào nhiều trận quyết chiến chiến lược trong chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ đội ta tiến vào tiếp quản Hải Phòng ngày 13/5/1955. 
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đặc biệt, cuộc chiến đấu 300 ngày giải phóng quê hương (7/1954 - 5/1955) đã mở ra một chương sử mới, thời kỳ phát triển mới, khẳng định sức mạnh của nhân dân và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Theo tài liệu của lịch sử Đảng bộ thành phố Hải Phòng, chiều 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu toàn thắng” đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta. Đây là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và chiến cuộc Đông - Xuân 1953-1954 đã tạo ra những điều kiện quyết định thắng lợi cho nhân dân ta trong cuộc đàm phán ở Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ngày 20/7/1954, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ. Nước Pháp cam kết rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam quy định giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết là Vĩ tuyến 17: Quân đội nhân dân Việt Nam ở phía Bắc giới tuyến, Quân đội Pháp ở phía Nam giới tuyến. Lịch rút quân và chuyển quân của Quân đội Pháp được quy định: Chu vi Hà Nội 80 ngày, chu vi Hải Dương 100 ngày, chu vi Hải Phòng 300 ngày.

Là vị trí chiến lược quan trọng nhất của khu tập kết 300 ngày. Với hệ thống cảng biển, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An, sân bay Đồ Sơn…, Hải Phòng - Kiến An trở thành cầu nối duy nhất giữa miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này. Đây là nơi thực dân Pháp chuyên chở binh lính vào Nam, cùng đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, gài gián điệp trước khi rút quân khỏi miền Bắc.

Ngay sau khi ký kết, Quân đội Pháp đã trắng trợn vi phạm Hiệp định bằng hành động vây ráp bắt lính, cướp đoạt tài sản, tuyên truyền xuyên tạc chính sách của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa... Chính vì thế, cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, tiếp quản Hải Phòng tuy không có tiếng súng, không phải chiến đấu vũ trang như trước đó nhưng cũng hết sức cam go.

Ngoài các hình thức tuyên truyền, chúng ta tích cực vận động quần chúng đấu tranh bảo vệ các cơ sở kinh tế, cơ sở văn hóa mà trong đó nổi lên là đấu tranh giai cấp công nhân trong thành phố, bảo vệ nhà máy, cơ sở sản xuất, không cho địch tháo dỡ chi tiết, kỹ thuật hoặc bản sơ đồ về máy móc, trang thiết bị nhằm giữ vững và ổn định sản xuất sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết. Cuộc đấu tranh này kéo dài trong suốt 300 ngày, đến ngày 13/5/1955, Quân đội Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ ở thành phố. Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bắt đầu bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và bước vào thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa.

Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thành phố Cảng sôi động khi đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào cảng. Nhà máy, công sở và những con tàu đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày lịch sử quang vinh của đất cảng, của dân tộc.

Bà Phạm Thị Ý, 83 tuổi, ở phố Hạ Lý, quận Hồng Bàng đến nay vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi chứng kiến sự hân hoan, xúc động và tự hào lan tỏa khắp mọi nơi vào ngày tháng lịch sử đó. Lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay, những cánh tay giơ cao, ánh mắt rực sáng niềm vui và tiếng hô vang không dứt "Hòa bình toàn thắng ắt về ta" làm rung chuyển cả một góc trời. Đó sẽ là khoảnh khắc không thể phai mờ, một dấu ấn vĩ đại trong lịch sử dân tộc và của thành phố cảng anh hùng.

Như bao người con Hải Phòng khác, bà Phạm Thị Ý luôn nhớ về ngày 13/5/1955, một ngày đánh dấu sự thay đổi lớn lao, mở ra tương lai mới với niềm tin và khát vọng mạnh mẽ. Ký ức đó không chỉ là câu chuyện của riêng ai, mà là niềm tự hào của cả dân tộc, là động lực để thế hệ những người con thành phố cảng hôm nay tiếp bước cha ông, tiếp tục dựng xây và phát triển quê hương.

*Niềm tin và khát vọng mạnh mẽ

Tuyến tỉnh lộ 359 đoạn từ Trung đoàn 238 chân cầu Bính đến Ngã tư Núi Đèo, huyện Thủy Nguyên, con đường huyết mạch kết nối giữa huyện Thủy Nguyên với trung tâm thành phố, các quận huyện lân cận và tỉnh Quảng Ninh, góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị của Hải Phòng. 
Ảnh: Minh Thu - TTXVN

70 năm qua là một giai đoạn đã chứng kiến và ghi dấu biết bao biến đổi to lớn về vùng đất, con người, kinh tế, xã hội của thành phố Cảng. Những năm 1955 - 1965, Hải Phòng là nơi triển khai những phong trào thi đua yêu nước, nơi khởi nguồn của phong trào thi đua "Sóng Duyên hải” trong sản xuất công nghiệp,  nơi mở đầu của phong trào thi đua xây dựng tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Để chi viện cho chiến trường miền Nam, Bến K15 được xây dựng. Đây là nơi xuất phát bí mật của những con tàu "không số", nơi khởi đầu bản hùng ca trên biển - Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, trở thành biểu tượng tự hào của dân tộc, là hiện thân của ý chí, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Rất nhiều sĩ quan, thủy thủ của những con tàu “không số” là người con ưu tú của Hải Phòng. Trong những năm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã 9 lần về thăm Hải Phòng. Những lời dạy của Người mãi mãi là di sản quý báu, soi đường cho Hải Phòng phát triển.

Những năm 1965 - 1975, Hải Phòng là trọng điểm đánh phá của máy bay, tàu chiến Mỹ. Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” để chiến đấu và chiến thắng, bắn rơi 317 máy bay Mỹ, phá thế bao vây, phong tỏa cảng bằng thủy lôi của kẻ thù, đảm bảo mạch máu giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống. Năm 1969, Hải Phòng đã sản xuất thành công xi măng P.600 để xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng kháng chiến, hàng vạn người con ưu tú của Hải Phòng đã "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", biết bao người đã nằm lại với đại ngàn Trường Sơn, đã hóa thân vào đất mẹ. Tổ quốc muôn đời tri ân sự hy sinh cao cả đó. Năm 1975, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước đã thắng lợi hoàn toàn, non sông liền một dải. Ghi nhận những đóng góp to lớn của thành phố Cảng, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng Huân chương Sao Vàng vào năm 1976.

Trong những năm 1976 - 1985, Hải Phòng cùng cả nước thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hải Phòng là nơi khởi nguồn cơ chế khoán sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, được Trung ương tin tưởng giao thí điểm các chủ trương đổi mới quản lý sản xuất công nghiệp, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế, thí điểm thực hiện cơ chế giá sát với giá thị trường, tổng kết thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Những bước đi, cách làm sáng tạo đó của Hải Phòng đã góp phần hình thành đường lối đổi mới toàn diện của Đảng. Giai đoạn 1986 đến nay, Hải Phòng có sự chuyển mình mạnh mẽ, có nhiều chính sách đột phá, ghi nhiều dấu ấn nổi bật trên tất cả các lĩnh vực...

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, đặc biệt trong hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, luôn nằm trong tốp dẫn đầu cả nước trên nhiều phương diện. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì tốc độ tăng trưởng mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp; thu ngân sách đứng thứ 3 cả nước; thu hút đầu tư nước ngoài FDI đứng thứ 2 cả nước. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước... Hải Phòng đã và đang viết tiếp những trang sử hào hùng với sự phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới./.(Còn tiếp)

(Bài 2: Bước vào kỷ nguyên làm chủ vận mệnh)

Nguyễn Thị Minh Huệ

Tin liên quan

Xem thêm