Giáo viên cần dạy học sinh cách học, cách nghĩ, cách giải quyết vấn đề, tạo cơ hội để hình thành phát triển các năng lực toán học cho học sinh.
Ngày 23/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo “Kiểm tra đánh giá môn Toán cấp Trung học Phổ thông theo định hướng tiếp cận phẩm chất và năng lực”, nhằm hỗ trợ cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông môn Toán, đáp ứng các yêu cầu của Chương trình mới.
Tại hội thảo, các chuyên gia là Tổng Chủ biên, Chủ biên, tác giả các bộ sách giáo khoa Toán Trung học Phổ thông mới và các chuyên gia đầu ngành về giáo dục Toán học của Việt Nam đã trao đổi, cung cấp thông tin, so sánh nội dung Chương trình môn Toán cấp Trung học Phổ thông năm 2018 mới và Chương trình môn Toán cấp Trung học Phổ thông năm 2006. Đồng thời, thảo luận về việc xây dựng chuẩn đánh giá năng lực, kiểm tra, đánh giá dạy học môn Toán ở trường Trung học Phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực và phẩm chất học sinh; giới thiệu một số phương thức thi đại học môn Toán phổ biến hiện nay.
Phát biểu khai mạc, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho biết: Năm học 2024-2025, các lớp cuối cấp (5, 9 và 12) sẽ triển khai học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Như vậy, tất cả các khối lớp (từ lớp 1-12) sẽ hoàn toàn học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các trường đại học bắt đầu đón nhận lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình mới này từ năm 2025. Do vậy, từ khá sớm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ sở giáo dục đại học lớn trên cả nước đã và đang có những hoạt động tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các kỳ thi trước đây; bắt tay vào việc xây dựng mới các phương án thi, cấu trúc định dạng đề thi. Cùng với đó, sau một lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng cần có sự đánh giá, tổng kết quá trình dạy - học môn Toán ở bậc phổ thông để có sự điều chỉnh theo đúng mục tiêu, yêu cầu cần đạt.
Theo Giáo sư Ngô Bảo Châu, để có được một đội ngũ nguồn nhân lực, nhà khoa học trong lĩnh vực toán học, cũng như các lĩnh vực có liên quan, Việt Nam cần hình thành cho học sinh một nền tảng học môn Toán có chất lượng ở bậc phổ thông. Truyền thống giáo dục Toán học của Việt Nam đã được đánh giá cao trên thế giới và cần tiếp tục được giữ vững trong bối cảnh hiện nay, khi năng lực Toán đã trở thành một trong những thước đo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiều nước trên thế giới hiện lo lắng về trình độ, năng lực toán học chung của học sinh phổ thông đang kém đi rõ rệt so với 20 - 30 năm trước.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một trong những mục tiêu chủ yếu của Chương trình môn Toán là hình thành, phát triển năng lực toán học cho học sinh bao gồm các thành tố cốt lõi: năng lực tư duy và lập luận toán học; năng lực mô hình hoá toán học; năng lực giải quyết vấn đề toán học; năng lực giao tiếp toán học; năng lực sử dụng công cụ, phương tiện học toán. Vấn đề quan trọng, cấp thiết khi giảng dạy và học tập môn Toán hiện nay là việc đổi mới kiểm tra đánh giá môn Toán theo định hướng tiếp cận phẩm chất, năng lực học sinh.
Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tổng chủ biên Chương trình môn Toán 2018 chia sẻ: Khi triển khai chương trình mới, giáo viên cần hạn chế lối dạy học truyền thụ kiến thức “rót kiến thức vào cái đầu rỗng”, chỉ tập trung luyện các dạng mẫu, bài mẫu. Thay vào đó, giáo viên cần phải bám sát những nguyên lý dạy học cốt lõi. Cụ thể, biến quá trình dạy học của giáo viên thành quá trình tự học của học sinh, giúp các em có thể tự học, tự khám phá, tự kiến tạo tri thức dưới sự hướng dẫn của thầy cô giáo. Giáo viên cần dạy học sinh cách học, cách nghĩ, cách giải quyết vấn đề, tạo cơ hội để hình thành phát triển các năng lực toán học cho học sinh. Tiến trình hình thành bài học phải bắt đầu từ học sinh, hiểu học sinh, tổ chức bài học theo đúng tiến trình nhận thức của các em. Bên cạnh đó, xây dựng tiến trình kỹ năng thông qua việc thiết lập một chuỗi các hoạt động học tập được thao tác hóa để học sinh đi từ "trình độ hiện tại đến yêu cầu cần đạt".
Giáo sư Đỗ Đức Thái cũng nhấn mạnh việc dạy học gắn với các tình huống thực tế có bối cảnh thực nhằm hình thành, phát triển năng lực vận dụng các tri thức toán học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cho học sinh. Từ đó, tạo dựng niềm tin cho học sinh và phụ huynh về giá trị của tri thức toán học đem lại cho cuộc đời học sinh sau này./.