Xã hội

Lựa chọn lớp học kỹ năng sống: Phụ huynh cần tỉnh táo và lắng nghe con

Hà Nội

Giáo dục kỹ năng sống giúp trẻ phát triển cân bằng giữa trí tuệ và cảm xúc, góp phần giảm thiểu những hành vi tiêu cực như: bạo lực học đường, trầm cảm, nghiện internet hay tự ti kéo dài.

Trong bối cảnh xã hội hiện đại, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em không còn là lựa chọn phụ mà đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, giúp trẻ phát triển toàn diện, tự tin, dễ dàng thích ứng với cuộc sống. Đây cũng là lý do khiến các lớp học kĩ năng phát triển vào mỗi dịp nghỉ Hè.

Kỹ năng sống – năng lực cần thiết cho trẻ

Mùa Hè đến, Hà Nội nở rộ các lớp học kĩ năng sống cho trẻ em: Từ lớp dạy kĩ năng nấu ăn, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề đến kỹ năng tự bảo vệ, quản lý cảm xúc, kỹ năng thoát hiểm… Em Trần Nam Bình, học sinh Trường Trung học Cơ sở Đống Đa (Hà Nội) hào hứng kể về trải nghiệm đặc biệt trong mùa hè năm nay khi lần đầu tiên tham gia khóa học kỹ năng thoát hiểm. Bình chia sẻ: “Nhà em ở chung cư nên khi nghe có lớp học về kỹ năng thoát hiểm, bố mẹ em đăng ký ngay. Ban đầu em nghĩ chắc chỉ học lý thuyết, nhưng vào lớp rồi mới thấy rất thú vị. Thầy hướng dẫn em cách nhận biết tín hiệu báo cháy, cách cúi thấp người khi có khói. Sau vài buổi học, em nắm được các quy tắc ứng phó khi có hỏa hoạn, biết cách xử lý tình huống khi bị mắc kẹt trong thang máy. Nếu gặp sự cố, em không còn hoang mang như trước nữa”.

Trẻ em học kỹ năng thoát ra khỏi đám khói. 
Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Em Trần Minh Khôi, học sinh lớp 4 một trường Tiểu học trên địa bàn phường Định Công (Hà Nội) từng rất rụt rè trong giao tiếp, nhưng sau khi tham gia lớp học “Thuyết trình tự tin”, em đã có thể đứng trước gần 30 bạn kể lại câu chuyện của mình một cách trôi chảy. “Em không còn sợ nữa. Giờ em muốn làm lớp trưởng để tổ chức trò chơi cho các bạn”- Minh Khôi tâm sự.

Tại một số trường học trên địa bàn Hà Nội, các lớp học hè được tổ chức dưới dạng câu lạc bộ hoặc trải nghiệm kỹ năng – nơi học sinh có thể tiếp cận với những nội dung không có trong chương trình chính khóa. Ví dụ, các em được làm quen với kỹ năng ẩm thực, kỹ năng sống, chơi thể thao hay các bộ môn nghệ thuật. Cô Nguyễn Thị Nga, Phó Hiệu trưởng một trường liên cấp trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tổ chức các buổi học nấu ăn để học sinh biết phân biệt các loại rau, hoặc đơn giản như học sinh lớp 1 biết pha một cốc nước chanh. Đó là những kỹ năng rất thiết thực và gần gũi với cuộc sống”.

Các em học làm gốm. 
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Bên cạnh đó, nhiều trường cũng mở các lớp võ, aerobic, nhảy hiện đại, thanh nhạc, giúp học sinh không chỉ rèn luyện thể chất mà còn có cơ hội khám phá năng khiếu cá nhân. Với môn tiếng Anh, các lớp học hè thường tập trung vào các hoạt động giao tiếp và trò chơi nhằm tăng sự tự tin thay vì đào sâu vào phần học thuật. Tương tự, các tiết học tiếng Việt được thiết kế dưới dạng “tiếng Việt vui” để khơi gợi hứng thú và khuyến khích các em sử dụng ngôn ngữ một cách linh hoạt hơn.

Tiến sỹ khoa học giáo dục Bùi Thị Tuyết Mai cho rằng, kỹ năng sống không chỉ đơn thuần là kỹ năng giao tiếp, mà còn bao gồm cả kỹ năng tâm lý - xã hội như quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề, ra quyết định, làm việc nhóm, thích ứng và sáng tạo. “Trẻ em không thể phát triển toàn diện nếu chỉ học giỏi kiến thức trên lớp. Các em cần được trang bị kỹ năng để biết cách ứng xử trong các tình huống thực tế, biết tự chăm sóc bản thân, làm việc với người khác và thích nghi với sự thay đổi”, chuyên gia Tuyết Mai nhấn mạnh.

Giáo dục kỹ năng sống không chỉ giúp trẻ phát triển cân bằng giữa trí tuệ và cảm xúc mà còn góp phần giảm thiểu những hành vi tiêu cực ngày càng phổ biến ở học sinh như bạo lực học đường, trầm cảm, nghiện internet hay tự ti kéo dài. Khi biết kiểm soát cảm xúc, giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình và xây dựng các mối quan hệ tích cực, học sinh sẽ hình thành được bản lĩnh vững vàng.

Không những vậy, trong thời đại số, kỹ năng sống còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng thích nghi với môi trường học tập và làm việc hiện đại. Những kỹ năng mềm như thuyết trình, hợp tác, phản biện hay tự định hướng không chỉ là “điểm cộng” trong tương lai nghề nghiệp mà còn giúp các em trở thành những công dân năng động, tự chủ và sáng tạo.

Chọn lớp học kỹ năng sống phù hợp với nhu cầu

Trước nhu cầu ngày càng tăng về các khóa học kỹ năng sống trong mùa hè, Tiến sỹ Bùi Thị Tuyết Mai cũng đưa ra nhiều lưu ý cho phụ huynh khi lựa chọn chương trình phù hợp cho con. Theo bà, trước hết, cha mẹ cần xác định rõ nhu cầu của trẻ: con đang thiếu kỹ năng gì, con cần được hỗ trợ ở khía cạnh nào – giao tiếp, tự tin, làm việc nhóm, quản lý cảm xúc hay định hướng tương lai. Đồng thời, cần cân nhắc độ tuổi của con có phù hợp với nội dung lớp học hay không. Bà nhấn mạnh: Với học sinh tiểu học, nên ưu tiên các kỹ năng như tự phục vụ, giao tiếp cơ bản, xây dựng sự tự tin. Còn với lứa tuổi Trung học Cơ sở và Trung học phổ thông, nội dung cần nâng cao hơn như phản biện, tư duy độc lập, quản lý thời gian và định hướng nghề nghiệp.

Các em nhỏ học bơi
Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Bên cạnh đó, việc tìm hiểu kỹ về trung tâm đào tạo kỹ năng là điều không thể bỏ qua. Phụ huynh cần kiểm tra tính pháp lý của đơn vị tổ chức, đội ngũ giáo viên có chuyên môn và kinh nghiệm hay không, chương trình đào tạo có rõ ràng, lộ trình có phù hợp và môi trường học có an toàn, thân thiện với trẻ không ? Một vấn đề khác thường bị xem nhẹ nhưng rất quan trọng là phương pháp giảng dạy. Theo chuyên gia, kỹ năng sống không thể được truyền đạt bằng lý thuyết khô khan. Trẻ cần được học qua thực hành, trải nghiệm, mô phỏng tình huống thật. Những lớp có trò chơi, đóng vai, làm việc nhóm thường mang lại hiệu quả cao hơn, giúp trẻ ghi nhớ lâu và dễ dàng áp dụng vào cuộc sống.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên cân nhắc học phí và thời lượng học sao cho phù hợp với khả năng tài chính và sức khỏe của trẻ. Một lớp học quá dài, quá tải có thể gây phản tác dụng, trong khi chương trình quá ngắn lại khó đạt được hiệu quả thực chất. Các trung tâm dạy kỹ năng cần có cơ chế thông tin cho phụ huynh về tiến trình và kết quả học tập của con.

Đặc biệt, chuyên gia giáo dục lưu ý phụ huynh không nên ép buộc con tham gia chỉ vì trào lưu hay vì “con nhà người ta cũng học”. Mỗi trẻ có cá tính, sở thích và nhu cầu riêng. Việc ép buộc có thể gây phản kháng hoặc khiến trẻ học trong trạng thái miễn cưỡng, thiếu hiệu quả. Trẻ cần được hỏi ý kiến, được lựa chọn và được tôn trọng. Giáo dục kỹ năng sống bắt đầu từ chính việc lắng nghe trẻ.

Từ góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, Tiến sỹ Bùi Thị Tuyết Mai nhấn mạnh rằng việc trang bị kỹ năng sống chính là nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc. Khi trẻ biết làm chủ cảm xúc, cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi, tự tin trong giao tiếp, các em sẽ hình thành được lối sống tích cực và chủ động. “Chúng ta không chỉ mong học sinh thành đạt mà quan trọng hơn là các em biết sống tốt, sống vui và sống có trách nhiệm,” chuyên gia khẳng định./.

P.T

Tin liên quan

Xem thêm