Môi trường

Hành động sớm để phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa

Đà Nẵng

Tại Việt Nam, năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình.

Quang cảnh hôi nghị.
Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

TTXVN - Ngày 9/5, tại Đà Nẵng, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị Phòng ngừa và ứng phó với thảm họa năm 2024. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2023, triển khai kế hoạch ứng phó thảm họa năm 2024.

Dự hội nghị có đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương, địa phương; đại biểu Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Hội Chữ thập đỏ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, địa phương dự trực tiếp và trực tuyến.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, những năm gần đây, thiên tai, thảm họa trên thế giới ngày càng khốc liệt, gây ra những tổn thất to lớn về kinh tế - xã hội, cướp đi nhiều sinh mạng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân. Năm 2023, thiên tai trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, tổng thiệt hại do thiên tai lên đến hàng tỷ USD. Điển hình là hai trận động đất tháng 2/2023 liên tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, làm hơn 50.000 người thiệt mạng, hàng loạt tòa nhà, công trình đã bị phá hủy. Tháng 5/2023, hơn 250.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Somalia; cháy rừng tại Indonesia, Hy Lạp, Hawaii…

Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại hội nghị. 
Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Tại Việt Nam, năm 2023, nước ta đã xảy ra trên 1.100 trận thiên tai với 21/22 loại hình. Trong đó, một số đợt thiên tai lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như: sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng); mưa lớn gây lũ quét tại thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát (Lào Cai) khiến 9 người chết; 3 đợt mưa lớn tại miền Trung từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11 làm 14 người chết, mất tích... Tính từ tháng 1/2023 đến nay, thiên tai đã làm 166 người chết và mất tích, (bằng 95% so năm 2022); thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 8.236 tỷ đồng (bằng 42% so với năm 2022).

Theo ông Nguyễn Hải Anh, là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược, là 1 trong 7 hoạt động trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ. Trong nhiều năm qua, hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội đã chuyển mạnh sang hành động sớm trong phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thảm họa.

Để sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, dịch bệnh và sự cố nghiêm trọng trong năm 2024, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục duy trì các chương trình phối hợp trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh với các bộ, ban, ngành; kiện toàn, nâng cao chất lượng lực lượng ứng phó cấp Trung ương, các đội ứng phó thiên tai, thảm họa cấp tỉnh/thành phố, quận/huyện và xã/phường; tập huấn, hướng dẫn, áp dụng Quy trình chuẩn trong ứng phó thảm họa (SOP), Quy trình chuẩn Chương trình tiền mặt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các chương trình cứu trợ khẩn cấp. Bên cạnh đó, Hội thực hiện chế độ ứng trực, thông tin, báo cáo kịp thời và sử dụng linh hoạt các lực lượng tham gia công tác cứu trợ khẩn cấp... Các đội ứng phó bước đầu đã đáp ứng được việc thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 9/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, củng cố và nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã.

Hiện cả nước có trên 400.000 tình nguyện viên Chữ thập đỏ, trong đó mỗi tỉnh, thành phố đều có ít nhất 1 Đội tình nguyện viên về phòng ngừa và ứng phó thảm họa. Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tại các vùng trọng điểm thiên tai thường xuyên được tập huấn, tuyên truyền về kỹ năng, nghiệp vụ về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng mưa đá, dông, lốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; cháy và sự cố nghiêm trọng tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước.

Trong năm 2023, Hội đã thực hiện các chương trình, dự án, các khoản viện quốc tế từ thành viên Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, tổng trị giá tiền và hàng hỗ trợ cho công tác ứng phó thiên tai, dịch bệnh đến các cấp Hội đạt gần 149 tỷ đồng; trợ giúp 394.505 lượt người. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ban hành Lời kêu gọi trong nước, ủng hộ gần 45 tỷ đồng hỗ trợ người dân Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, sẻ chia tấm lòng, tình cảm của nhân dân Việt Nam./.

Trần Lê Lâm

Xem thêm