Hệ thống bệnh viện tư góp phần nâng cao chất lượng y tế chuyên sâu vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Với sự đầu tư máy móc công nghệ cao, hệ thống các bệnh viện tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang trở thành những vệ tinh đắc lực cho hệ thống bệnh viện công.
(TTXVN) Cần Thơ tập trung nguồn lực xây dựng thành phố trở thành đô thị hạt nhân và là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, y tế là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu, nhất là y tế chuyên sâu. Điều này nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh hệ thống bệnh viện công, sự phát triển mạnh mẽ của bệnh viện tư nhân góp phần nâng cao chất lượng y tế chuyên sâu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
*Đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại
Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ đi vào hoạt động từ ngày 23/12/2017, với thế mạnh chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu. Năm năm qua, bệnh viện đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị hiện đại cho Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng như: Máy siêu âm 3D, 4D dựng hình mạch máu não, cơ xương khớp, răng hàm mặt…; máy siêu âm đàn hồi nhu mô; máy chụp nhũ ảnh có số lượng tia xạ phát ra rất thấp, ít tác hại cho người bệnh; máy cộng hưởng từ (MRI) 1.5 Tesla; máy chụp cắt lớp điện toán 640 và 160 lát cắt… Trong đó, máy chụp cắt lớp 640 lát cắt là hệ thống chụp cắt lớp vi tính hiện đại duy nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm hiện tại. Máy có nhiều ưu điểm trong chụp và tái tạo hình ảnh mạch tim, mạch não… có giá trị chẩn đoán mức độ hẹp, tắc mạch tương đương kỹ thuật DSA.
Khoa Xét nghiệm cũng được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và chuyên sâu. Tiêu biểu như hệ thống máy µTASWAKO i30 công nghệ tiên tiến của Nhật, giúp phát hiện sớm ung thư tế bào gan nguyên phát; hệ thống máy sinh hóa-miễn dịch COBAS 8000 công suất 2.000 test/giờ sinh hóa, 900 test/giờ điện giải, 340 test/giờ miễn dịch…
Bác sĩ chuyên khoa II Chu Văn Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ cho biết, với sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại, bệnh viện có thể thực hiện nhanh với kết quả chính xác cao các xét nghiệm về huyết học - đông máu, sinh hóa, tầm soát dấu ấn phát hiện bệnh ung thư, xét nghiệm vi ký sinh, sinh học phân tử, giải phẫu bệnh… Năm 2023, bệnh viện thành lập Trung tâm chẩn đoán và điều trị y khoa kỹ thuật cao, hướng tới mục tiêu xây dựng bệnh viện hiện đại đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đi vào hoạt động từ đầu năm 2019, Bệnh viện Đa khoa quốc tế S.I.S Cần Thơ là đơn vị tiên phong điều trị chuyên sâu đột quỵ tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tiến sĩ, bác sĩ Trương Chí Cường, Giám đốc bệnh viện chia sẻ, gần 4 năm qua, bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy siêu âm cao cấp chẩn đoán tim bẩm sinh, chụp CT 128 lát cắt. Đặc biệt, bệnh viện đang sở hữu hai máy chụp cộng hưởng từ MRI Lumina 3 Tesla công nghệ mới, hai máy chụp mạch máu xóa nền DSA. Đây là các máy lần đầu tiên được lắp đặt tại châu Á. Máy MRI Lumina 3 Tesla chuyên tầm soát khối u toàn thân và đột quỵ. Hệ thống phòng mổ Hybrid hiện đại chuẩn quốc tế, được trang bị kính hiển vi C-Arm di động, hệ thống Monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân 24/24 giờ, hệ thống tổng đài kỹ thuật số Call-center cấp cứu đột quỵ, xe cứu thương chuyên dụng với đầy đủ máy thở, máy sốc tim, phương tiện cấp cứu như một phòng cấp cứu di động…
Cuối năm 2020, bệnh viện tiếp tục đầu tư lắp đặt hệ thống DSA Icono Artis hai bình diện thế hệ mới nhất với nhiều ưu điểm vượt trội, là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam và châu Á sử dụng hệ thống này tạo bước đột phá cho can thiệp đột quỵ, mạch máu. Hệ thống giúp tối ưu hóa mọi chức năng của DSA và CT, sẵn sàng kết nối với robot can thiệp mạch.
Ngày 15/9/2022, bệnh viện đưa vào sử dụng hệ thống robot Corindus hỗ trợ can thiệp chụp mạch máu xóa nền (DSA). Đây là bệnh viện đầu tiên tại Đông Nam Á thực hiện kỹ thuật này. Robot can thiệp mạch Corindus trị giá khoảng 1 triệu USD, có tính năng hỗ trợ bác sĩ thực hiện kỹ thuật cao trong can thiệp mạch máu với thời gian nhanh nhất, giảm 95% liều xạ cho bác sĩ thực hiện thủ thuật can thiệp và 21% cho bệnh nhân. Robot giúp tăng độ chính xác và ổn định chất lượng trong can thiệp; hỗ trợ tính chính xác tổn thương hẹp mạch máu, làm giảm số lượng stent cần đặt, hỗ trợ bác sĩ chọn đúng kích thước stent do tính năng đo được độ dài tổn thương trực tiếp trong lòng mạch máu (đặc biệt là các tổn thương tại vị trí mạch máu gấp khúc, đoạn cong).
Trong tương lai, với tính năng có thể điều khiển từ xa (qua internet), robot Corindus giúp can thiệp cho bệnh nhân từ xa, giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn địa lý.
Với sự đầu tư máy móc công nghệ cao, hệ thống các bệnh viện tư trên địa bàn thành phố Cần Thơ đang trở thành những vệ tinh đắc lực cho hệ thống bệnh viện công trong xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn trực tuyến, đào tạo và cung cấp môi trường thực tập hiện đại cho nhân sự ngành Y tế.
*“Số hóa” quy trình chăm sóc bệnh nhân và lưu trữ hồ sơ
Ngày 11/11/2022, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu làm lễ đón nhận "Con dấu vàng chất lượng JCI". Bệnh viện Quốc tế Phương Châu (thuộc Tập đoàn Y tế Phương Châu) trở thành bệnh viện đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long và thuộc top 6 bệnh viện tại Việt Nam đạt chứng nhận danh giá JCI - tiêu chuẩn quốc tế của ngành y tế trong và ngoài nước.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hồ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Y tế Phương Châu cho biết, Bộ tiêu chuẩn JCI gồm 13 chương, 281 tiêu chuẩn, 1197 yếu tố đo lường, 162 chính sách, quy trình với mục tiêu đặt người bệnh là trung tâm. Để được công nhận đạt chuẩn chất lượng JCI, cơ sở y tế phải tuân thủ đồng bộ từ quy trình chuyên môn đến vận hành, các rủi ro như phòng cháy, chữa cháy, phòng tránh té ngã, thảm họa cho đến tiêu chuẩn về lâm sàng từ lúc bệnh nhân vào đăng ký tại bệnh viện cho đến khi xuất viện và cách chăm sóc tại nhà.
Là bệnh viện chuyên sâu trong lĩnh vực phụ sản, bên cạnh đầu tư nâng cấp máy móc hiện đại giúp nâng cao chất lượng chăm sóc mẹ và bé, Bệnh viện Quốc tế Phương Châu nhiều năm qua chú trọng đẩy mạnh “số hóa” trong quy trình chăm sóc bệnh nhân cũng như lưu trữ hồ sơ. Số hóa bệnh viện là việc chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và hình thành kho dữ liệu khám, chữa bệnh phục vụ công tác quản lý, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người bệnh (trước, trong và sau khi khám, điều trị). Tiêu chí số hóa bệnh viện nhằm đáp ứng 3 không: bệnh viện không giấy tờ, không xếp hàng, không dùng tiền mặt.
Chị Nguyễn Thị Kim Khánh, thai phụ đến từ tỉnh Hậu Giang cho biết, trước đây, mỗi lần lên Cần Thơ khám chị phải đi từ 4 giờ, tới bấm số và chờ đến lượt, rất mất thời gian, mệt mỏi. Hiện nay, chị chỉ cần đăng ký trước qua tổng đài, trên trang web của bệnh viện hoặc trên app lịch khám được sắp xếp theo yêu cầu của bệnh nhân. Đặc biệt, những lần tái khám sau, bệnh viện đều gửi tin nhắn nhắc trước một ngày. Điều này khiến chị rất hài lòng và yên tâm tuân thủ quy trình thăm khám trong suốt thai kỳ.
Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, bệnh viện xây dựng hoàn chỉnh Hệ thống phần mềm quản lý tổng thể theo tiêu chí của bệnh viện thông minh. Bệnh viện có hệ thống máy chủ, bảo đảm an toàn bảo mật thông tin, hệ thống quản lý thông tin tổng thể bệnh viện, hệ thống lưu trữ, truyền tải và hội chẩn hình ảnh y khoa…Bên cạnh đó là hệ thống quản lý thông tin phòng xét nghiệm, bệnh án điện tử, chữ ký số…được áp dụng quy trình vận hành, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 15189:2012 và Tiêu chí đánh giá mức chất lượng theo Quyết định 2429/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Ông Dương Quang Minh, bệnh nhân đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ chia sẻ, sau lần kê khai thông tin ban đầu, những lần sau ông chỉ cần đọc số điện thoại là mọi thông tin bệnh án đã được bác sĩ nắm rõ. Nếu ông điều trị tại các bệnh viện khác thông tin sẽ được liên thông.
Các bệnh viện tư với ưu thế về nguồn vốn đầu tư cho đổi mới khoa học công nghệ, tính nhanh nhạy đáp ứng nhu cầu thị trường… đã góp sức cho tiến trình “số hóa” ngành Y tế Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước. Việc số hóa bệnh viện, hình thành kho dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu khám, chữa bệnh, dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử… được kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc giúp hỗ trợ và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho người dân. Từ các kho dữ liệu y khoa sẽ hình thành hệ thống dữ liệu lớn của ngành Y tế từ đó ứng dụng công nghệ số hiện đại như công nghệ dữ liệu lớn (Bigdata), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu Analysis… phục vụ nghiên cứu khoa học, phân tích mô hình bệnh tật, nâng chất cảnh báo mang tính dự báo...
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh, hệ thống bệnh viện tư nhân trên địa bàn thành phố giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong nâng cao chất lượng ngành Y tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các đơn vị này vừa là bệnh viện vệ tinh, hỗ trợ cho bệnh viện công vừa là “nhân tố cạnh tranh” để bệnh viện công đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh./.