Người nhiễm HIV và cơ sở y tế đã phản hồi tích cực về hoạt động cấp phát thuốc nhiều tháng đang được Bộ Y tế và các địa phương triển khai.
(TTXVN) Tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1246/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Nhằm hưởng ứng mục tiêu chung này, ngành Y tế thành phố Cần Thơ đã có nhiều hoạt động điểm nhấn, mang lại hiệu quả khả quan trong trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
* Phát huy hiệu quả hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS
Năm 2020 đánh dấu 30 năm Việt Nam nói chung, Cần Thơ nói riêng phải đối phó với dịch HIV/AIDS. Hơn 10 năm qua, Cần Thơ liên tục đạt mục tiêu “3 giảm”: Số người mới phát hiện nhiễm HIV, số người chuyển sang giai đoạn AIDS, số người tử vong do AIDS. Đây là kết quả của hơn 20 năm triển khai, mở rộng hệ thống các cơ sở điều trị HIV/AIDS, tăng nhanh độ bao phủ điều trị, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ điều trị và duy trì điều trị lâu dài.
Ông Dáp Thanh Giang, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ cho biết, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình cấp phát thuốc nhiều tháng (tối đa 90 ngày) cho người nhiễm điều trị ổn định. Đây là chủ trương giúp họ giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại, đồng thời giảm áp lực công việc cho các đơn vị điều trị HIV/AIDS. Hoạt động cấp phát thuốc nhiều tháng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía người nhiễm HIV và cơ sở y tế.
Tại Cần Thơ, trong năm 2022, các cơ sở điều trị HIV tại thành phố đã cấp phát hơn 1,8 triệu viên thuốc kháng HIV(ARV). Trong đó, thuốc do Bảo hiểm y tế chi trả chiếm gần 80%, còn lại do dự án Quỹ toàn cầu hỗ trợ những trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thuốc ARV không thuộc danh mục chi trả của Bảo hiểm y tế, người nhiễm HIV tại trại giam, trại tạm giam, người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…
Trước tình hình cắt giảm mạnh sự hỗ trợ rất lớn về tài chính từ các tổ chức quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS, Cần Thơ đã linh hoạt sử dụng hiệu quả ngân sách từ nguồn Trung ương và địa phương để đảm bảo cung ứng đủ thuốc dự phòng, điều trị cho người nhiễm. Từ đầu năm đến nay, Cần Thơ đã điều chuyển khoảng 20 lần với gần 60 nghìn viên thuốc ARV cho các cơ sở y tế.
Bạn N.T.T (ngụ tại quận Ninh Kiều) cho biết, mình phát hiện nhiễm HIV trong một lần khám sức khỏe định kỳ tại bệnh viện. Sau đó, T được các nhân viên y tế tư vấn, cấp phát thuốc điều trị đầy đủ. Đồng thời, người bạn tình cũng được tư vấn phương cách quan hệ tình dục an toàn và sử dụng các liệu trình thuốc dự phòng chống lây nhiễm. Tất cả thông tin cá nhân đều được bảo mật. Hiện, các bạn còn được đưa vào những nhóm tư vấn online kín, thông tin phản hồi rất nhanh và hiệu quả.
Chia sẻ về kế hoạch trong thời gian tới, ông Dáp Thanh Giang cho biết, các đơn vị trực thuộc ngành Y tế Cần Thơ sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ điều trị, tăng số người được điều trị ARV, triển khai các sáng kiến, cập nhật khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới. Đồng thời, các đơn vị mở rộng mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện cho điều trị HIV, điều trị đồng nhiễm lao/HIV, viêm gan virus/HIV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại tuyến quận/huyện, tăng cường điều trị ARV trong trại giam, cơ sở điều trị khép kín.
Đặc biệt, các đơn vị sẽ chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều trị HIV, đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thúc đẩy khám, chữa HIV/AIDS thông qua bảo hiểm y tế và cung ứng thuốc ARV. Hiện, công tác quản lý người nhiễm HIV/AIDS được triển khai tại 3 tuyến thành phố, quận/huyện và tuyến phường/xã. Theo đó, đầu mối là Khoa Phòng, chống HIV/AIDS có hai cán bộ phụ trách chính việc quản lý người nhiễm và phần mềm HIV INFO 4.0. Chín quận/huyện, 83 phường/xã đều có cán bộ chương trình đầu mối quản lý người nhiễm HIV.
* Đa dạng hoạt động của các CBO
Tổ chức dựa vào cộng đồng (Community Based Organization - CBO) hiện nay được xem là cánh tay nối dài của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Các CBO sẽ tiếp cận nhóm nguy cơ cao hiệu quả hơn cán bộ y tế, cung cấp các dịch vụ chủ yếu như: truyền thông thay đổi hành vi; kết nối, chuyển tiếp người có hành vi nguy cơ cao làm xét nghiệm HIV. Đồng thời, thông qua CBO, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao sẽ được cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng; cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn phòng lây nhiễm HIV. CBO đảm nhiệm việc giới thiệu "khách hàng" tiếp cận điều trị Methadone; giới thiệu, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia, tuân thủ điều trị ARV; cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
Thành lập từ tháng 1/2021, nhóm CBO Tình Cờ hiện có 6 thành viên chính thức và 9 cộng tác viên. Thời gian thành lập chưa lâu nhưng các thành viên đều có kinh nghiệm là tiếp cận viên khoảng 4 năm trở lên, ngay từ khi còn là sinh viên Đại học, Cao đẳng. Thời điểm đó, các bạn đã tham gia tuyên truyền về HIV/AIDS trong các buổi sinh hoạt cộng đồng.
Nhóm CBO Tình Cờ thường tổ chức sinh hoạt, chia sẻ và lắng nghe tâm tư của “khách hàng” tại không gian quán cà phê, phòng gym, phòng game. Theo nhóm, những nơi này sẽ tạo cảm giác tự nhiên, thoải mái hơn cho những bạn có nhu cầu tìm hiểu về giới tính, về những vướng mắc trong quan hệ tình dục đồng giới.
Bạn Nguyễn Thành Phú (22 tuổi, quê ở tỉnh Tiền Giang, hiện làm việc tại Cần Thơ, thành viên nhóm CBO Tình Cờ) chia sẻ, nhóm tiếp cận nhiều đối tượng nhưng chủ yếu vẫn tập trung nhiều vào nhóm MSM (Nam quan hệ tình dục đồng giới). Riêng tại quán cà phê, nhóm có thể vừa họp bàn kế hoạch làm việc mỗi tháng, vừa có thể tiếp cận nguồn “khách hàng” mới.
Trung bình 1 năm, mỗi thành viên trong nhóm CBO Tình Cờ sẽ tiếp cận khoảng 300 - 400 "khách hàng". Để đạt được kết quả này, nhóm đã vượt qua nhiều khó khăn từ khách hàng như: không hợp tác điều trị; từ chối chia sẻ thông tin bạn tình… Mỗi lần như vậy, thành viên trong nhóm sẽ đưa ngay lên group Zalo để mọi người cùng đưa ra giải pháp tháo gỡ, hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian sớm nhất.
Các nhóm cộng đồng CBO tại Cần Thơ ngoài vai trò cung cấp các dịch vụ như truyền thông, phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, chuyển các đối tượng đến các cơ sở y tế nhận dịch vụ thích hợp hay chăm sóc tại nhà. Thời gian gần đây, các tổ chức xã hội còn cung cấp các dịch vụ khác như: Tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV hay vận động chính sách, tham gia lập kế hoạch và theo dõi, đánh giá.
Đặc biệt, nhiều tổ chức cộng đồng lớn mạnh đã thành lập doanh nghiệp xã hội và có tư cách pháp nhân. Các phòng khám tư nhân do các doanh nghiệp xã hội lập ra có ưu thế vượt trội, kết nối và trợ giúp được rất nhiều "khách hàng" e ngại dịch vụ y tế công. Điển hình là Phòng khám GLINK, ở quận Bình Thủy, Cần Thơ.
Hình thành từ năm 2018, với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp thực tiễn, Phòng khám GLINK Cần Thơ đã kết nối được hàng trăm người nhiễm HIV và hàng ngàn "khách hàng" điều trị PrEP đủ mọi lứa tuổi. Ngoài ra, GLINK còn chú trọng hoạt động kết hợp tư vấn HIV với nhiều chương trình vui chơi, giải trí, giúp các bạn trong cộng đồng LGBT tự tin bộc lộ giới tính, sống thật với chính mình.
Bạn Đ.K.T (sinh năm 2005, sống tại Cần Thơ, thuộc nhóm MSM - "khách hàng" của GLINK) bày tỏ: Khi tư vấn tại Phòng khám GLINK, T cảm nhận được sự thân thiện trong cách tư vấn, sự chuyên nghiệp trong chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ, tư vấn viên. Do đó, T và bạn tình của mình thường xuyên ghé để được khám sức khỏe định kỳ. Hơn thế nữa, các bạn đang từng bước tìm hiểu và được đào tạo để trở thành cộng tác viên của GLINK trong tư vấn cho khách hàng mới.
Không chỉ giúp cộng đồng LGBT hiểu rõ về HIV/AIDS, đội ngũ bác sĩ có chuyên môn của GLINK đã tiếp cận được khách hàng là công chức, viên chức, người có địa vị, nhất là những người xét nghiệm ra HIV.
Anh Phạm Công Thành, sinh năm 1994, phụ trách tư vấn điều trị HIV tại GLINK cho biết, những năm gần đây, giới trẻ nhiễm HIV tăng nhiều, đội ngũ tư vấn tại GLINK phải mất nhiều thời gian để các bạn chấp nhận và phối hợp điều trị. Những bạn chưa nhiễm HIV đã khó để chia sẻ, khi đã nhiễm rồi thì vấn đề khó còn nhân lên gấp bội. Việc là LGBT, các bạn đã khó chia sẻ với gia đình, thêm vào đó nếu bị nhiễm HIV thì các bạn sẽ vô cùng mặc cảm và tự ti. Do đó, nhân viên tại GLINK vừa phải tư vấn tâm lý vừa phải vạch ra lộ trình điều trị phù hợp riêng với từng "khách hàng".
Trong năm 2022, ngoài 6 tổ chức dựa vào cộng đồng CBO, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ đã duy trì mạng lưới tiếp cận viên tại 13 trường Đại học, Cao đẳng với 62 cộng tác viên là những cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Trưởng nhóm câu lạc bộ chủ chốt tại các trường. Lực lượng này đã góp phần nâng cao kiến thức, thái độ thực hành phòng, chống HIV/AIDS của thanh niên, nhất là những người trong cộng đồng LGBT.
Với các hoạt động điểm nhấn, mang lại hiệu quả khả quan trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, Cần Thơ là địa phương được đánh giá sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.
Tại Hội nghị triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, do Sở Y tế tổ chức trong tháng 11 vừa qua, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ nhấn mạnh: Chấm dứt dịch AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV hay tử vong do AIDS, mà khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí: Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm (hiện nay trên 10.000 ca/năm); tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS nhỏ hơn 1/100.000 dân (hiện nay ước tính 3,5 người/100.000 dân); tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nhỏ hơn 2% (hiện nay trên 6%) ./.