Chính phủ hành động

Hiện đại hóa hoạt động kiểm toán góp phần nâng cao năng lực quản lý tài sản công

Hà Nội

Kiểm toán nhà nước đã tổ chức rà soát toàn diện Luật Kiểm toán nhà nước để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ 
Ảnh: TTXVN phát

Kiểm toán nhà nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với trọng tâm là hiện đại hóa hoạt động kiểm toán, góp phần nâng cao năng lực quản lý tài chính công, tài sản công, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt là các chủ trương về đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

* Hoàn thiện cơ sở pháp lý

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu phát triển đất nước, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết số 88-NQ/ĐU ngày 19/2/2021 về "Lãnh đạo thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030".

Ngay sau khi Nghị quyết số 88-NQ/ĐU được ban hành, các cấp ủy trong toàn ngành đã chỉ đạo tổ chức hành chính cùng cấp chủ động triển khai xây dựng các kế hoạch hoạt động để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược, toàn ngành đã tích cực triển khai các hoạt động theo kế hoạch, đến nay đã đạt được một số kết quả cụ thể.

Trong nhiệm kỳ, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 40 văn bản quy phạm pháp luật và 122 văn bản quản lý. Các văn bản được ban hành trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019, Quy định số 131-QĐ/TW, Quy định số 144-QĐ/TW và Quy định số 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Một số văn bản quan trọng đã được ban hành như: Hệ thống chuẩn mực Kiểm toán nhà nước, Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Quy định khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động Kiểm toán nhà nước, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn Kiểm toán nhà nước…

Đặc biệt, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng lần đầu được Kiểm toán nhà nước ban hành, là văn bản có tính kỹ thuật pháp lý cao, kết hợp giữa quy trình kiểm toán và tố tụng hình sự, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao vai trò của Kiểm toán nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, Đảng ủy còn đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác phối hợp xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Năm 2024 đánh dấu 10 năm thi hành Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 và 5 năm thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2019, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức rà soát toàn diện Luật Kiểm toán nhà nước để kiến nghị sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới.

Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ: Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Kiểm toán nhà nước đã từng bước phát triển hệ thống tổ chức bộ máy tiến tới đồng bộ nhằm thực hiện toàn diện, hiệu lực, hiệu quả quản lý và đáp ứng yêu cầu phát triển trong từng giai đoạn. Cùng với xu hướng tinh gọn bộ máy trong toàn hệ thống chính trị, thông qua việc rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các đơn vị, Đảng ủy Kiểm toán nhà nước chỉ đạo quyết liệt việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy.

Ban cán sự đảng, Đảng ủy và Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành, quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán
Ảnh: TTXVN phát

Theo đó, Kiểm toán nhà nước đã giảm 2 đầu mối đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước, giải thể 12 đơn vị cấp phòng góp phần tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo năng lực thực thi nhiệm vụ. Trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cấp Vụ, Kiểm toán nhà nước khu vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

*Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng kiểm toán

Trong 5 năm qua, Kiểm toán nhà nước đã tuyển dụng được 20 công chức theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ban hành 39 chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức hơn 200 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 11.000 lượt cán bộ, hàng năm tổ chức từ 5-10 tọa đàm, tập huấn chuyên sâu, cử 54 đoàn công tác đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài cho hơn 260 lượt công chức, cử 43 công chức tham gia các chương trình nâng cao năng lực của các Cơ quan kiểm toán tối cao, cử và đào tạo 1 giảng viên có trình độ quốc tế cho Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI)...

Đáng chú ý, lần đầu tiên Kiểm toán nhà nước xây dựng quy định và tổ chức đánh giá kiến thức chuyên môn định kỳ cho đội ngũ công chức, viên chức thông qua ngân hàng câu hỏi, góp phần nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa trình độ cán bộ trong toàn ngành. Với quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán là nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán nhằm đạt được mục tiêu "chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa", Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, qua đó chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết: Giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán nhà nước tiến hành nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề có quy mô và phạm vi rộng như: Chuyên đề huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ; Công tác lập, phân bổ vốn đầu tư Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện các chính sách đầu tư phát triển theo Nghị quyết số 43/2022/QH15…

Kiểm toán nhà nước luôn duy trì và không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập cùng cộng đồng kiểm toán công trên thế giới với gần 30 thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết, thiết lập quan hệ với gần 60 cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) và tổ chức quốc tế. Với vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm Kiểm toán nhà nước đã chủ động tham gia nhiều hoạt động, hội thảo, hội nghị, các nhóm công tác của INTOSAI.

Kiểm toán nhà nước đã hoàn thành vai trò thành viên Ban điều hành ASOSAI qua 3 nhiệm kỳ trong giai đoạn 2015-2024, chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đại hội ASOSAI lần thứ 16 năm 2024, Kiểm toán nhà nước đã ứng cử thành công vị trí thành viên Ủy ban kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027. Kiểm toán nhà nước tiếp tục củng cố và phát huy vị thế của mình trong ASOSAI, khẳng định vai trò dẫn dắt trong ASEANSAI, dần khẳng định vai trò, vị thế và nâng cao uy tín, hình ảnh của Kiểm toán nhà nước nói riêng và Việt Nam nói chung trong cộng đồng kiểm toán công khu vực và trên thế giới.

Đảng bộ đã quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác nghiên cứu khoa học, trong giai đoạn 2020-2025, Kiểm toán nhà nước thực hiện 135 đề tài, trong đó: 81 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 53 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở; đặc biệt có 1 đề tài khoa học công nghệ độc lập cấp Quốc gia do Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn làm chủ nhiệm đã được Bộ Khoa học và công nghệ nghiệm thu xếp loại Xuất sắc, được xuất bản thành cuốn sách "Vai trò Kiểm toán nhà nước trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí" để phổ biến rộng rãi kết quả nghiên cứu.

Từ những kết quả trên, có thể khẳng định rằng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ giữ vai trò then chốt, định hướng cho toàn bộ quá trình triển khai thực hiện Chiến lược. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, nhất quán của Đảng bộ, toàn ngành đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đề ra, tạo tiền đề vững chắc, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo, góp phần xây dựng Kiểm toán nhà nước ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Đảng, Nhà nước, của xã hội trong tình hình mới./.

Đỗ Bình

Xem thêm