An sinh

Hiện thực ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ

Nam Định

Tận dụng lợi thế địa phương cùng sự nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, nhiều phụ nữ Nam Định đã mạnh dạn khởi nghiệp, làm chủ kinh tế.

Tận dụng lợi thế địa phương cùng sự nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, nhiều phụ nữ Nam Định đã mạnh dạn khởi nghiệp, làm chủ kinh tế, mang lại tác động tích cực với xã hội.

* Đa dạng các ý tưởng khởi nghiệp

Nhận thấy thế mạnh địa phương Hải Hậu nói chung, xã Hải Tây nói riêng trong việc trồng cây dược liệu, sẵn kinh nghiệm và tay nghề Đông y, bà Đỗ Thị Gấm nảy ra ý tưởng sản xuất các sản phẩm trà thảo dược.

Bà Gấm chia sẻ, để thoát khỏi trở ngại do nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư dây chuyền sản xuất gặp khó, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, bà đã vận động, liên kết với một số chị em trong xã để cùng hiện thực ý tưởng khởi nghiệp.

Thu hái dược liệu tại Hợp tác xã dược liệu Ngọc Trà, huyện Hải Hậu. 
Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN

Năm 2023, bà cùng 13 thành viên thành lập Hợp tác xã dược liệu sinh thái, do bà làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, sản xuất các loại trà dưỡng nhan, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ sau sinh; trà cho bệnh nhân tiểu đường, mất ngủ; các loại dầu gội đầu, sữa tắm từ thảo dược. Từ việc thành lập hợp tác xã, diện tích trồng dược liệu được mở rộng lên 2ha với hơn 60 loại thảo dược. Khu sản xuất rộng gần 600m2 được đầu tư trang thiết bị như máy sấy, nghiền, máy đóng gói các sản phẩm trà túi lọc. Hợp tác xã đang sản xuất 9 loại trà, trong đó có 6 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao.

Để tìm đầu ra, bà Gấm phối hợp với Hội phụ nữ các cấp thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại để giới thiệu sản phẩm, kết nối bạn hàng. Bà cũng tìm hiểu, nâng cao chất lượng, đầu tư bao bì cho sản phẩm của hợp tác xã. Nhờ sự năng động, sản phẩm của hợp tác xã được nhiều khách hàng ưu chuộng. Mỗi tháng, hợp tác xã xuất bán 700kg dược liệu khô và khoảng 1.000 hộp trà các loại, doanh thu đạt khoảng 120 triệu đồng/tháng. Hiện, hợp tác xã tạo việc làm cho 20 công nhân với mức lương từ 4 triệu đồng trở lên/người/tháng.

Vừa qua, tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 khu vực miền Bắc, bà Gấm đạt Giải Khuyến khích với dự án kinh doanh Hợp tác xã dược liệu sinh thái.

Ở tuổi 50, bà Đào Thị Hà, hội viên Hội Phụ nữ phường Lộc Hòa, thành phố Nam Định quyết định khởi nghiệp với việc nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo. Giờ đây, qua 7 năm khởi nghiệp, sản phẩm đông trùng hạ thảo của cơ sở do bà làm chủ đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều hội viên.

Bà Đào Thị Hà, chủ cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo Phúc Khang, thành phố Nam Định. 
Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN

Bà Hà tâm sự, bà nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp khi đang điều trị bệnh. Trong lúc sức khỏe sa sút, bà dùng đông trùng hạ thảo để điều trị. Nhận thấy tình trạng bệnh được cải thiện, sau khi giới thiệu bạn bè cùng sử dụng với phản hồi tích cực, bà quyết định trồng nấm đông trùng hạ thảo để kinh doanh.

Việc trồng nấm đông trùng hạ thảo yêu cầu kỹ thuật và công nghệ cao, với người đã qua tuổi 50 như bà là rào cản lớn. Không nản chí, bà dành thời gian nghiên cứu công nghệ, học cách dùng điện thoại thông minh, cách vận hành máy móc, thành lập nhà xưởng. “Từ người chỉ dùng điện thoại đen trắng chuyển sang điện thoại thông minh với tôi khó vô cùng. Nhưng việc càng khó càng phải cố gắng, quyết tâm là sẽ làm được”, bà Hà nói.

Khi đã làm chủ được công nghệ trồng nấm, bà Hà đầu tư máy sấy thăng hoa để cho ra sản phẩm đông trùng hạ thảo khô với hàm lượng dưỡng chất cao nhất. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, bà không ngừng tìm hiểu thị trường. Từ câu chuyện chữa bệnh của cá nhân cũng như sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ, sản phẩm của bà Hà ngày càng được nhiều khách hàng ở Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh ưa chuộng.

Với quyết tâm cao, từ 9m2 trồng nấm ban đầu, giờ đây bà Đào Thị Hà đã mở rộng khu trồng nấm lên hơn 100m2, được đầu tư máy móc hiện đại. Cứ 3 tháng, bà thu hoạch 1 đợt nấm với sản lượng khoảng 10kg nấm khô. Hàng năm, sau trừ chi phí, bà thu về khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm cho từ 4 – 6 hội viên phụ nữ với mức lương ổn định.

* Xây dựng vị thế cho phụ nữ

Khuyến khích, hỗ trợ hiện thực các ý tưởng kinh doanh thông qua mô hình liên kết chuỗi giá trị, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong phát triển ngành nghề là mục tiêu các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đẩy mạnh.

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” (Đề án 939) và Đề án “Hỗ trợ thành lập Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) của Chính phủ, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đã đa dạng các hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng số, phối hợp tổ chức các buổi tập huấn hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về khởi nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyển giao khoa học - công nghệ cho hội viên.

Các cấp Hội tăng cường phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tài chính để triển khai hoạt động ủy thác nguồn vốn đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đến nay, tổng dư nợ các nguồn vốn vay do Hội trực tiếp quản lý, điều hành là 3.400 tỷ đồng, hỗ trợ trên 235.700 hộ vay tại hơn 3.500 tổ vay vốn và tiết kiệm để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho hội viên, Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thành phố tại Nam Định đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ trưng bày, quảng bá sản phẩm nông sản an toàn của hội viên. Các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện cho hội viên tìm hiểu hàng hóa, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh hàng hóa trên thị trường, tạo môi trường lan tỏa phong trào khởi nghiệp cho hội viên.

Phơi dược liệu tại Hợp tác xã dược liệu Ngọc Trà, huyện Hải Hậu. 
Ảnh: Nguyễn Lành – TTXVN

Bà Trần Thị Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nam Định nhận định, ý tưởng khởi nghiệp của chị em rất phong phú, đa dạng ở các lĩnh vực. Nhiều ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng, phù hợp xu thế thị trường và sự phát triển của xã hội, hướng đến chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Với vai trò là “bà đỡ” cho những ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chức năng, tổ chức tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ trong việc tích tụ, tập trung ruộng đất, tiếp cận nguồn vốn vay... để phát triển trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến; liên kết sản xuất quy mô lớn, tạo thêm ngày càng nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên.

Các cấp Hội Phụ nữ tại Nam Định đã chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong phong trào phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi; tổ chức thêm nhiều buổi tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, quản lý doanh nghiệp, kỹ năng khởi nghiệp giúp phụ nữ mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu./.

Nguyễn Lành

Tin liên quan

Xem thêm