An toàn giao thông

Hiệu quả từ mô hình thí điểm “Tỉnh an toàn giao thông” ở Bắc Ninh

Bắc Ninh

Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên và cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước được Bộ Công an lựa chọn thí điểm xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”.

Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 87-NQ/TU về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

TTXVN - Mô hình khởi phát từ tháng 3/2023. Ngay sau khi có Nghị quyết số 87-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 71/KH-UBND của UBND tỉnh về xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch và tổ chức cho cán bộ, đảng viên ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; bổ sung vào quy chế quản lý cán bộ nội dung xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước và người đứng đầu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách...

Đáng chú ý, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức đã triển khai nhiều cách làm, mô hình sáng tạo. Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Bộ tiêu chí “An toàn giao thông” với 6 tiêu chí: Cơ quan, đơn vị, trường học an toàn giao thông; Xã, phường, thị trấn an toàn giao thông; Khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề an toàn giao thông; Doanh nghiệp an toàn giao thông; Tuyến đường tự quản an toàn giao thông; Dòng họ, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo an toàn giao thông. Xây dựng bộ 12 khẩu hiệu về xây dựng tỉnh an toàn giao thông, văn hóa giao thông để tuyên truyền đến 100% nhà văn hóa, thôn, khu phố; phối hợp với nhà mạng Mobifone tuyên truyền qua tin nhắn tới hơn 1,4 triệu thuê bao di động. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các khu công nghiệp, làng nghề, trường học, thôn, xóm, xã.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn chỉ đạo điểm về thôn, làng, khu phố văn hóa tiêu biểu về chấp hành quy định của pháp luật về an toàn giao thông; gắn tiêu chí chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông là một trong những nội dung quan trọng để xem xét, bình xét, xếp loại “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư văn hóa”; “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông, văn hóa giao thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh đã dạy lồng ghép trong hơn 76 nghìn tiết học các môn chính khóa, gần 8.000 tiết dạy ngoại khóa. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục hoàn thành triển khai mô hình “Cổng trường an toàn”, “Xếp hàng đón con”. Sở xây dựng Bộ tài liệu dành cho cha mẹ hướng dẫn học sinh tham gia giao thông an toàn, đăng tải trên website và triển khai tại 507 cơ sở giáo dục (có 357,7 nghìn phụ huynh nhận được tài liệu); xây dựng Bộ tiêu chí chấm điểm thi đua hằng năm của nhà trường, lớp học, giáo viên, học sinh, sinh viên gắn với thực hiện các nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và triển khai áp dụng từ năm học 2023-2024.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh rà soát thống kê trên 7.245 doanh nghiệp với 40.685 lao động ngoài khu công nghiệp, trong đó có 920 lao động chưa có giấy phép lái xe; tổ chức hội nghị truyền thông tuyên truyền phổ biến, trang bị kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước, tai nạn giao thông, kỹ năng tham gia giao thông đường bộ, đường thủy và các phương tiện giao thông đảm bảo an toàn cho trẻ em và gia đình cho hàng chục ngàn học sinh.

Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh đã tổ chức hội nghị tuyên truyền trực tiếp kết hợp trực tuyến tới gần 1.000 điểm cầu; thành lập các Tổ công tác đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự, rà soát và tổng hợp 2.242 người lao động trong khu công nghiệp có nhu cầu cấp Giấy phép lái xe mô tô.

Bên cạnh việc hướng dẫn thực hiện Quy định “Tiêu chí đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng”, Sở Nội vụ đã phối hợp với Thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và Văn phòng Tòa Giám mục Bắc Ninh triển khai các nội dung Nghị quyết 87, Kế hoạch 71 và các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; tổ chức cho các chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người có đạo ký Bản cam kết chấp hành 13 điều về “Trật tự an toàn giao thông” và 10 điều “Văn hóa giao thông”.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bắc Ninh ban hành văn bản về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông đối với trụ trì các chùa, tăng ni trong toàn tỉnh. Các chùa phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố phổ biến Luật An toàn giao thông cho thanh, thiếu niên tại một số chùa mở khóa tu mùa hè năm 2023, như: Chùa Linh Quang, chùa Guột (Quế Võ) 900 học sinh, sinh viên; chùa Kim Ngưu (Tiên Du) 400 học sinh, sinh viên... Văn phòng Tòa Giám mục Bắc Ninh hướng dẫn triển khai ký cam kết cho 20 linh mục và 36 ban hành giáo xứ, giáo họ.

Ban Tôn giáo phối hợp Phòng Nội vụ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và các nội dung theo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh với 2.891 đại biểu là Bí thư, Trưởng thôn (Trưởng khu), Trưởng Ban công tác mặt trận, Ban Chấp hành các Chi hội, Ban khánh tiết đình, Ban chấp tác chùa, Ban hành giáo các họ đạo và người có đạo tiêu biểu của các thôn (khu phố) trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Tiếp nhận 7 trường hợp ( ba người ở thành phố Bắc Ninh, hai người ở huyện Lương Tài, một người ở thị xã Quế Võ, một cán bộ Ngân hàng Chính sách) là đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm trật tự an toàn giao thông và đã có văn bản chuyển thông tin đến cơ quan quản lý trực tiếp xem xét, xử lý theo quy định.

Lực lượng thanh niên điều tiết giao thông tại điểm đèn đỏ phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đoạn trên Quốc lộ 18. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Đến nay, các đơn vị, địa phương cơ bản đã hoàn thành đánh giá kết quả thực hiện Bộ tiêu chí “An toàn giao thông”, trong đó, 99% gia đình, 99,8% dòng họ, cơ sở tôn giáo, 100% cơ quan, trường học, tuyến đường tự quản, khu công nghiệp và 93% doanh nghiệp đạt tiêu chí "An toàn giao thông". 24/26 cụm công nghiệp, làng nghề (92,3%); 125/126 xã, phường, thị trấn (99,2%) đạt tiêu chí "An toàn giao thông".

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, tỉnh chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát những bất cập trong tổ chức giao thông theo từng tuyến, tập trung vào điểm đen, điểm tiềm ẩn gây tai nạn giao thông. Công an tỉnh ban hành 5 văn bản kiến nghị tổ chức giao thông, trong đó đã kiến nghị về 4 điểm đen, 40 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; 2.895 vị trí giao cắt có bất cập để lắp 100% gờ giảm tốc từ ngõ ra đường... Các ngành chức năng đã khắc phục 3 điểm đen, 23 điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và nhiều điểm bất cập về tổ chức giao thông.

Qua rà soát các vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, Tổ công tác của Sở Giao thông vận tải đã tham mưu ra văn bản đôn đốc các địa phương, lực lượng chức năng xử lý các hành vi vi phạm. Hiện nay, những hộ dân lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt tại phường Phong Khê, phường Võ Cường (thành phố Bắc Ninh) đã tháo dỡ, giải tỏa. Sở Giao thông vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở tăng cường xử lý, kiểm tra các trường hợp vi phạm ngay tại các bến, bãi, cảng, nơi xuất phát hàng hóa, xử phạt 250 trường hợp vi phạm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Công an tỉnh tiếp tục triển khai thí điểm hệ thống quản lý tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ và an ninh trật tự, triển khai phạt nguội vi phạm giao thông tại 4 điểm. Thông qua hệ thống camera, phát hiện, thông báo 1.986 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 773 trường hợp. Thông qua hình ảnh phản ánh vi phạm trật tự, an toàn giao thông do các cá nhân, tổ chức cung cấp và phản ánh trên xã hội, Công an đã ra quyết định xử phạt 336 trường hợp, với số tiền gần 650 triệu đồng.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải rà soát dữ liệu 432 lượt phương tiện vi phạm chạy quá tốc độ từ 5 lần/1000 km/1 tháng, Công an tỉnh đã gửi đề nghị Sở Giao thông Vận tải tước phù hiệu kinh doanh vận tải đối 63 lượt phương tiện.

Theo đánh giá của Đại tá Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Tổ Thường trực xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, các cấp, các ngành, địa phương, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, lồng ghép thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông với các nhiệm vụ chuyên môn, phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của địa phương. Cán bộ, đảng viên đã thực hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong công tác xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”, tỷ lệ đảng viên vi phạm rất thấp.

Nhiều nhiệm vụ được triển khai từ sớm, ngay khi Nghị quyết, Kế hoạch mới được ban hành. Công tác truyền thông, tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh góp phần tạo sự đồng thuận dư luận, chuyển biến rõ nét về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật. Tình hình tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm sâu so với thời gian trước liền kề.

Thực hiện cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý quyết liệt, triệt để các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, 9 tháng qua, lực lượng Công an đã kiểm tra, lập biên bản 31.141 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 25.298 trường hợp, phạt 61,3 tỷ đồng, tăng 44,2% so với thời gian liền trước./.

Chu Thanh Vân

Xem thêm