Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm 6 người tử vong, 33 người bị thương.
TTXVN - Cùng với việc đẩy mạnh chất lượng dạy - học, các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, giúp các em nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, góp phần xây dựng hóa giao thông học đường.
Hiện nay, tình trạng học sinh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vi phạm an toàn giao thông khi đi học vẫn còn xảy ra phổ biến. Nổi cộm là tình trạng các phụ huynh giao phương tiện cho thanh, thiếu niên, học sinh điều khiển khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng...
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm 6 người tử vong, 33 người bị thương. Số vụ vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông liên quan đến học sinh lên tới hơn 500 vụ.
Theo thống kê từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, trên 40% học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện đến trường. Các học sinh còn lại tham gia giao thông bằng các phương tiện khác như xe buýt, xe gắn máy do người nhà đưa đón.
Hướng tới mục tiêu xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong học sinh, ngay từ đầu năm học, các nhà trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với lực lượng công an địa phương triển khai các buổi tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ. Ngoài tuyên truyền, cán bộ Cảnh sát Giao thông còn dạy thực hành kỹ năng lái xe an toàn như: đội mũ bảo hiểm đúng cách; vượt xe, chuyển hướng an toàn… Cùng đó, các đội công tác còn tổ chức cho nhà trường, phụ huynh và các em học sinh ký cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Các trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều thành lập ban an toàn giao thông, duy trì mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" với sự tham gia của đội cờ đỏ, đội thanh niên xung kích… Qua đó, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế va chạm, tai nạn giao thông tại khu vực cổng trường, đặc biệt tại những trường học giáp quốc lộ, tỉnh lộ.
Trường Trung học Phổ thông Kim Ngọc, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn thực hiện tốt mô hình "Cổng trường an toàn giao thông" với việc duy trì tốt Ban An toàn giao thông nhà trường tham gia giám sát giao thông tại khu vực trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Hằng ngày, Ban An toàn giao thông nhà trường thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông tại cổng trường nhằm kịp thời phát hiện các học sinh vi phạm quy định về an toàn giao thông và đề nghị học sinh chấp hành nghiêm.
Cô giáo Phan Thị Hằng Hải, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Kim Ngọc cho biết: Nhà trường chủ động phối hợp với lực lượng Công an tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, giáo viên vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa; đồng thời, tổ chức ký cam kết tới 100% phụ huynh, giáo viên và học sinh chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Nhà trường cùng với lực lượng Đoàn Thanh niên tổ chức kiểm tra đầu giờ và giờ ra về để đảm bảo các em khi đến trường thực hiện nghiêm quy định về an toàn giao thông. Trong 2 năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường không nhận được thông báo từ cơ quan Công an về học sinh của trường vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cổng trường không để xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông…
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi tới trường, Trường Trung học Phổ thông Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc luôn chú trọng giáo dục an toàn giao thông cho học sinh thông qua các chương trình giáo dục trên lớp, hoạt động ngoại khóa, hệ thống loa trong trường và Đội tuyên truyền an toàn giao thông. Nhà trường còn tổ chức cho học sinh và phụ huynh học sinh tham gia ký cam kết chấp hành an tòan giao thông; coi việc thực hiện an toàn giao thông là một nội dung thi đua trong năm học; thành lập "Tổ trật tự an toàn giao thông", thành viên là lãnh đạo chủ chốt và giáo viên chủ nhiệm của nhà trường, thường trực kiểm tra giám sát và xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông…
Em Hà Đặng Thảo My, lớp 12a1, Trường Trung học Phổ thông Xuân Hòa cho biết, bản thân em luôn ý thức chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người xung quanh. Em tích cực tìm hiểu các quy định về trật tự an toàn giao thông và tuyên truyền cho các bạn, để mọi người cùng chấp hành Luật Giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao ý thức của tầng lớp thanh, thiếu niên trong việc thực hiện tốt các quy định về an toàn giao thông, Công an tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn thực hiện nghiêm chương trình phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị đã tổ chức hơn 300 buổi tuyên truyền tại các trường học và cơ sở giáo dục trên địa bàn, với gần 330 nghìn lượt người tham dự; tổ chức ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại hơn 510 trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn; duy trì gần 300 mô hình "Cổng trường an toàn giao thông"…
Để hạn chế các vụ tai nạn giao thông do thanh, thiếu niên gây ra, thời gian tới, lực lượng chức năng tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định; đẩy mạnh sự phối hợp giữa lực lượng chức năng, nhà trường, gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông./.