Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông vùng Đông Nam Bộ dịp cuối năm
Qua phân tích nhiều vụ tai nạn, các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông vẫn chưa cao, cộng với tâm lý chủ quan khi tham gia giao thông...
TTXVN - Đông Nam Bộ là khu vực có mật độ dân cư cao bậc nhất cả nước, có nhiều khu công nghiệp tập trung đông công nhân, người nhập cư đến sinh sống nên tình hình an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, nhất là vào thời điểm cuối năm. Trước tình hình này, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực đã có nhiều giải pháp kéo giảm số vụ tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân.
* Tình hình an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Dương, từ đầu năm 2023 tới nay, tình hình tai nạn giao thông tăng về cả số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ. Tính trong 10 tháng năm 2023, địa bàn tỉnh xảy ra 610 vụ tai nạn (tăng 101 vụ), làm chết 346 người (tăng 78 người), bị thương 450 người (tăng 54 người). Bên cạnh đó, tình hình ùn tắc giao thông cục bộ do nguyên nhân tai nạn, phương tiện hư hỏng trên đường, đèn tín hiệu giao thông không hoạt động vì mất điện và ngập nước cục bộ trên đường khi xảy ra mưa lớn, triều cường… chưa được xử lý dứt điểm, ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
UBND tỉnh Bình Dương đã có công văn chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thông trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông, ưu tiên ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin trong tổ chức, điều hành, giám sát giao thông, đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Ban An toàn giao thông Thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực trường học trên địa bàn năm học 2023 - 2024. Theo đó, các đơn vị đặt ra mục tiêu nâng cao điều kiện an toàn của hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu tại các khu vực trường học, các tuyến đường kết nối đến trường học; đồng thời, đẩy mạnh công tác đưa, đón học sinh, sinh viên; tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên; giảm tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em 10% so với năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường chỉ rõ, hiệu quả quản lý về giao thông trên địa bàn chưa cao, chưa mang tính bền vững. Nguyên nhân một phần do việc triển khai quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, nhiều địa phương chưa xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm lòng đường hè phố.
Nằm ở vị trí có 5 tuyến quốc lộ huyết mạch đi qua (Quốc lộ 1A, 20, 51, 56 và 1K) với tổng chiều dài hơn 260 km, địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn phát sinh các “điểm đen” về giao thông, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người, nhất là trên các tuyến Quốc lộ 51, 20 và 1A. Đặc biệt, một số nút giao trọng yếu trên các tuyến quốc lộ thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, từ giữa tháng 12/2022 đến giữa tháng 10/2023, toàn tỉnh xảy ra hơn 300 vụ tai nạn giao thông, làm chết 260 người, bị thương gần 150 người. So với năm 2022, số vụ, người chết, bị thương tăng từ 72 - 93%.
Qua phân tích nhiều vụ tai nạn, các cơ quan chức năng cho rằng, nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người tham gia giao thông vẫn chưa cao, cộng với tâm lý chủ quan khi tham gia giao thông; còn tình trạng vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, lấn làn... Nguyên nhân còn do số lượng đông người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến sinh sống và làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, nhiều người thường xuyên thay đổi chỗ ở và nơi làm việc, dẫn đến khó khăn cho công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
* Nhiều giải pháp kéo giảm
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Dương Nguyễn Anh Minh cho biết, lực lượng chức năng đã thực hiện quyết liệt các kế hoạch, chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, tổng kiểm soát xe ô tô vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và chở hàng quá tải trọng.
Lực lượng chức năng tăng cường nhiều đợt ra quân tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm; tập trung xử lý nghiêm các lỗi vi phạm phổ biến liên quan đến người điều khiển phương tiện; tiếp tục phát huy hiệu quả của Tổ tuần tra đặc biệt 171 bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và Đội cơ động xử lý sự cố giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ để thu thập dữ liệu và xử lý vi phạm bằng phương pháp “phạt nguội” thông qua hình ảnh từ hệ thống camera giám sát.
Ngành Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương đang tiếp tục phối hợp các ngành, địa phương tổ chức phân luồng giao thông theo giờ trên một số đoạn, tuyến đường trọng điểm đối với xe container, ô tô tải để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bùi Xuân Cường cho biết, Thành phố sẽ tập trung nâng cao năng lực quản lý, xử phạt và điều phối giao thông; xử lý các hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông, đặc biệt xử lý nghiêm hành vi không chấp hành tín hiệu, đi xe trên vỉa hè, lấn đường. Thành phố sẽ bố trí đủ lực lượng Cảnh sát giao thông điều tiết giao thông vào khung giờ cao điểm tại các giao lộ phức tạp, nhất là 24 điểm ùn tắc giao thông, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái - Phú Hữu. Ngoài giờ cao điểm, Thành phố có thể huy động thêm thanh niên xung phong, dân quân tự vệ, lực lượng tình nguyện trong điều tiết giao thông.
Để tiếp tục đảm bảo trật tự an toàn giao thông với mục tiêu chung là kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, trong những tháng cuối năm 2023, Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Công an thành phố Biên Hòa tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên các tuyến đường toàn thành phố. Theo đó, lực lượng chức tập trung xử lý các hành vi như: vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, xe khách chở quá số người quy định, xe chở hàng quá tải, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ…
Công an thành phố Biên Hòa đề nghị UBND 30 phường, xã trên địa bàn quán triệt cán bộ, đảng viên, công nhân, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… tự giác chấp hành nghiêm quy định giao thông đường bộ; thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện giao thông; tuyệt đối không can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị cơ quan thẩm quyền cấp Trung ương sớm đầu tư hoàn chỉnh nút giao ngã tư Vũng Tàu, tiếp tục lắp đặt dải phân cách giữa tuyến Quốc lộ 1A, thực hiện đầy đủ công tác duy tu, bảo dưỡng trên tuyến Quốc lộ 51; xây dựng hoàn chỉnh nút giao trên Quốc lộ 51 nhằm phân chia lưu lượng phương tiện; nhanh chóng chấm dứt hợp đồng BOT trước thời hạn với nhà đầu tư Quốc lộ 51 và xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tuyến quốc lộ này; nâng cấp, mở rộng mặt đường, lắp đặt dải phân cách giữa và bổ sung hệ thống chiếu sáng trên Quốc lộ 20./.
- Từ khóa:
- Đông Nam Bộ
- An toàn giao thông
- cuối năm