Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Hiện đại hóa các lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đã cho thấy tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và hạn chế các tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia.
TTXVN - Chiều 24/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu thống nhất đánh giá, dự thảo Luật đã được chuẩn bị công phu, tuy nhiên nhiều quy định bộc lộ rõ hạn chế, bất cập, không đáp ứng của yêu cầu công tác quản lý trong lĩnh vực này. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tách nội dung của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật là hết sức cần thiết. Nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất về các vấn đề liên quan.
Ưu tiên nguồn lực đầu tư
Quan tâm tới vấn đề ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hóa cho các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa càng phát triển sẽ càng tạo áp lực lớn đến công tác quản lý của lực lượng chức năng nói chung, trong đó có lực lượng cảnh sát giao thông.
“Cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cắt giảm biên chế, lực lượng Công an cũng không được tăng biên chế. Việc hiện đại hóa công tác của lực lượng Cảnh sát Giao thông không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, còn góp phần điều hành giao thông thông minh, phù hợp với xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt là sẽ giải quyết được vấn đề gây nhức nhối trong thời gian qua, đó là tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận nhỏ cán bộ Cảnh sát Giao thông suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống”, đại biểu tỉnh Kon Tum nêu quan điểm.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, với việc ứng dụng những tiến bộ công nghệ thông tin, việc giám sát, phát hiện, xử lý một số hành vi vi phạm giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông như chạy quá tốc độ, đi sai làn, lấn làn, không thắt đai an toàn, vượt đèn đỏ... đều có thể được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo tính công khai, minh bạch, kịp thời. Đại biểu đề nghị thể chế hóa nội dung này vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực đầu tư, hiện đại hóa các lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng để có cơ sở pháp lý vững chắc thực hiện nhiệm vụ này.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự án Luật, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng, đối với việc quy định nghiêm cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Chính phủ đã có ý kiến giải trình hợp lý. Đại biểu bày tỏ sự đồng tình về nội dung giải trình của Chính phủ, với quan điểm quy định này nhằm bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất các tai nạn giao thông nghiêm trọng. Thực tế, sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đã cho thấy tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông và hạn chế các tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia.
Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Hữu Trí, trên thực tế, quy định này có mặt chưa phù hợp dưới góc độ của văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cả về góc độ sinh học và về góc độ người kiểm soát giao thông, người bị kiểm soát lưu thông không thống nhất quan điểm về việc có hay không có uống rượu, bia trước khi lái xe. Do đó, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, có các chứng cứ khoa học để bảo đảm tính khả thi.
Thể hiện chủ trương bảo vệ chăm sóc trẻ em
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho biết, thời gian qua đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm liên quan đến xe đưa đón học sinh. Đại biểu đánh giá, việc dự thảo Luật bổ sung quy định về xe đưa đón học sinh tại Điều 46 là rất nhân văn, thể hiện chủ trương bảo vệ chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét cơ sơ pháp lý, cơ sở thực tiễn khi quy định về niên hạn xe đưa đón học sinh không quá 15 năm, theo đó, trước khi quy định cần đối chiếu với quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện xe tham gia giao thông và đối với từng loại xe. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng chưa có cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về việc quy định trên xe đưa đón học sinh từ 24 học sinh trở lên phải bố trí trên xe phải có 2 người hỗ trợ, đồng thời đề xuất nghiên cứu thêm việc thống nhất màu sắc hoặc lắp đặt công cụ nhận diện riêng đối với các xe đưa đón học sinh.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, qua tổng hợp cho thấy, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Điểm lại những vấn đề các đại biểu Quốc hội đề cập như: Về sự cần thiết ban hành Luật, về tên gọi và bố cục dự thảo Luật, việc rà soát để tránh chồng lấn về phạm vi điều chỉnh giữa Luật này và Luật Đường bộ; quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; về thiết bị giám sát hành trình; quy định về giấy phép lái xe; an toàn giao thông cho học sinh; kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ; xử phạt vi phạm hành chính; bảo trì, bảo dưỡng công trình giao thông; biện pháp chống người thi hành công vụ; đấu giá biển số xe; độ tuổi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông..., Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ nhằm tiếp thu, giải trình đầy đủ để hoàn thiện dự án Luật bảo đảm chất lượng, khả thi./.