Hạn chế tình trạng thao túng tổ chức tín dụng, sở hữu chéo và bài học của Ngân hàng SCB được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.
TTXVN - Chiều 23/11, thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), vấn đề hạn chế tình trạng thao túng tổ chức tín dụng, sở hữu chéo và bài học của Ngân hàng SCB được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận.
Tránh chồng chéo với các luật khác
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật.
Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhất là nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài.
Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định. Theo đó, chất lượng của dự thảo Luật được nâng lên đáng kể.
Ý kiến các đại biểu cho thấy, Luật Các tổ chức tín dụng là luật có tính chuyên sâu, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng hoạt động kinh tế - xã hội, có tác động đến nhiều đối tượng và tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như liên quan đến thông lệ và pháp luật quốc tế. Đồng thời, Luật này liên quan nhiều luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án dân sự...
Do đó, các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo với các luật khác sẽ gây tác động không tốt, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.
"Cần nghiên cứu có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe với các trường hợp vi phạm, gắn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan có liên quan để bảo đảm các quy định được chấp hành nghiêm túc. Tiếp tục nghiên cứu thêm các quy định về xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo, thao túng chi phối các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian vừa qua”, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu quan điểm.
Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai), các quy định của Luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng, hướng tới mục tiêu kép là tạo cơ chế để xây dựng, thúc đẩy hệ thống tín dụng phát triển mạnh mẽ nhưng phải an toàn để làm bệ đỡ cho nền kinh tế.
Hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP, dự thảo luật đã chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng, trong đó điều chỉnh quy định về người có liên quan phù hợp với loại hình quỹ tín dụng nhân dân; điều chỉnh tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5) và quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.
Thống nhất với quy định mới trong dự thảo luật là cấm sở hữu chéo, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, thời gian qua một số ngân hàng đã vướng phải. Tuy nhiên, theo đại biểu, điều quan trọng cốt lõi hiện nay là giám sát, quan tâm hơn đối với những trường hợp chủ của các ngân hàng là doanh nghiệp lớn, không để xảy ra những trường hợp tương tự như Ngân hàng SCB. Không phải vấn đề nằm ở tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% hay 10% mà điều rất quan trọng là vài chục cổ đông cùng “hè nhau” rút tiền một lúc, thời gian qua đã xảy ra chuyện này.
Đồng quan điểm với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Trịnh Xuân An phân tích, nghị quyết của Trung ương và Quốc hội là chấm dứt tình trạng sở hữu chéo. Qua vụ việc của Ngân hàng SCB và thực trạng đánh giá một số ngân hàng hiện nay, có 3 vấn đề: sở hữu chéo, chi phối và thao túng đối với hệ thống tín dụng, ngân hàng đang tạo ra rủi ro và những vấn đề hết sức cấp bách cần xử lý để xây dựng hệ thống ngân hàng, tín dụng phát triển mạnh.
“Sở hữu chéo, thao túng và chi phối là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên, đối với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này mà ta dùng các công cụ của luật đang thiết kế như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần (Điều 63), giảm hạn mức cấp tín dụng (Điều 136) và mở rộng đối tượng không được thực hiện nhiệm vụ tức là đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình, theo tôi hiệu quả sẽ không cao”, đại biểu Trịnh Xuân An cho hay.
Đại biểu cho rằng, cốt lõi của hệ thống Ngân hàng Việt Nam đang nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng, yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Do đó, Luật cần xây dựng được khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho hoạt động của ngân hàng.
Để làm được vấn đề này, đại biểu đề nghị quy định hai vấn đề cụ thể. Một là phải minh bạch thông tin cho tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại thay vì việc giảm tỷ lệ sở hữu. Xác định nghĩa vụ công bố thông tin đối với các cổ đông là tổ chức và cá nhân, nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng trên.
Hai là phải kiểm soát được dòng tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân. “Dòng tiền không tự nhiên có mà phải từ cá nhân nào, từ chỗ nào. Vụ của Vạn Thịnh Phát cho ta thấy bài học như vậy”, theo đại biểu.
Với những phân tích trên, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cân nhắc giữ nguyên quy định hiện hành về tỷ lệ sở hữu cổ phần quy định tại Điều 63 và giới hạn cấp tín dụng tại Điều 136. Việc xác định lộ trình như dự kiến trong dự thảo luật chưa đủ cơ sở. Tỷ lệ cổ phần đối với cá nhân là 5% là hợp lý, nhưng với tổ chức cần phải đánh giá thêm. Việc giảm tỷ lệ có thể tạo ra sự xáo trộn không cần thiết, thậm chí gây ra đột biến không hay đối với nền kinh tế. Với doanh nghiệp tốt hoàn toàn có thể cho vay với tỷ lệ cao.
Nhấn mạnh thời gian qua các tổ chức tín dụng có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng, cũng có hiện tượng cho vay doanh nghiệp "sân sau" hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp "sân sau", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan để hạn chế rủi ro, tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng lớn. Tuy nhiên, việc quy định giảm ngay giới hạn cấp tín dụng xuống 10%, 15% so với hiện tại là 15% và 25% sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và chắc chắn sẽ gặp khó khăn.
Đại biểu đề nghị quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng, một khách hàng và người có liên quan theo lộ trình cụ thể để đảm bảo giảm dần giới hạn cấp tín dụng, tránh việc tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, hạn chế tập trung tín dụng vào một nhóm khách hàng, đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác và đề nghị giao Chính phủ cụ thể hóa lộ trình này./.