Quốc hội với Cử tri

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang lấy ý kiến đóng góp vào 3 dự án Luật sửa đổi

Hậu Giang

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, phát biểu. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

TTXVN - Ngày 16/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) gồm 13 chương, 195 điều, quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Góp ý cho dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đại biểu đề xuất luật cần tách bạch rõ ràng đối tượng áp dụng các tổ chức tín dụng với các ngân hàng thương mại; cần quy định rõ ràng, chặt chẽ về hoạt động của các tổ chức tín dụng vi mô; quy định chi tiết hơn về trách nhiệm cung cấp thông tin của tổ chức tín dụng; cần giảm số lượng hồ sơ trong quy định cho vay tiêu dùng; cần quy định hội đồng quản trị các tổ chức tín dụng phải có bộ phận giúp việc; quy định cụ thể việc quản lý, trách nhiệm của chủ sở hữu máy CDM (máy gửi tiền tự động).

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 9 chương, 151 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về tổ chức xét xử và bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân.

Đại biểu nêu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Hồng Thái/TTXVN)

Đóng góp cho Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu cho rằng, dự thảo lần 5 có bố cục chặt chẽ, có tiếp thu, điều chỉnh dựa trên những lần góp ý trước đây và đề xuất tòa án không hỗ trợ thu thập chứng cứ cho người yếu thế nhằm đảm bảo tính khách quan mà nên giao cho trợ giúp viên, luật sư hỗ trợ theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý. Các đại biểu đề xuất giữ nguyên nội dung tăng cường hợp tác cơ sở vật chất về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật; quy định rõ cơ chế bảo vệ tòa án nói chung và thẩm phán nói riêng; quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án trong thực hiện quyền tư pháp; không thay đổi Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh thành Tòa án nhân dân sơ thẩm, phúc thẩm; thể chế hóa một số quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, nhất là về công tác cán bộ trong hệ thống tòa án.

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 10 chương, 84 điều, quy định về kinh doanh bất động sản, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản và quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản.

Góp ý cho dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), các đại biểu đề xuất bổ sung hạ tầng xã hội bên cạnh hạ tầng kỹ thuật vào điều kiện kinh doanh bất động sản để phù hợp với Luật Nhà ở, Luật Đất đai; bổ sung quy định tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản phải có báo cáo kiểm toán để chứng minh nguồn vốn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; quy định thanh toán giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán theo tiến độ thi công nếu bên mua, bên thuê mua chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn Phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, ý kiến đóng góp của các đại biểu và cho biết, đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến chuyển đến Ban soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.


Hồng Thái

Xem thêm