Quốc hội với Cử tri

Góp ý Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo tương thích với các luật liên quan

TP. Hồ Chí Minh

Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), chuẩn bị trình tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

TTXVN - Ngày 13/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), chuẩn bị trình tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện các sở, ngành, địa phương của Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan, đơn vị có thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà nghiên cứu, luật gia đã tập trung góp ý trực tiếp với các Chương, Điều luật cụ thể của Dự án Luật. Nhìn chung, còn nhiều ý kiến chưa thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được bổ sung, chỉnh lý đưa ra xin ý kiến lần này.

Đại diện Thanh tra Thành phố, ông Cao Hoàng Thành đề nghị bổ sung thêm đối tượng “các vị trí đất bồi thường dôi dư của các dự án do nhà nước quản lý” tại Điều 140 về giải quyết đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp Luật đất đai trước ngày 1/7/2014; đề nghị sửa Điều 213 quy định về Đất tôn giáo theo hướng liệt kê như khoản 14, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo ông Vũ Anh Dũng, đại diện Sở Xây dựng Thành phố, tại điểm b, khoản 1, Điều 80 quy định căn cứ “quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ”. Nhưng theo quy định của Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ thì UBND cấp tỉnh cũng có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư (thậm chí cả dự án nhóm A). Do đó, đề nghị bổ sung thêm “...đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.

Đại diện các sở, ngành phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sở Xây dựng Thành phố đề nghị bỏ khoản 9, Điều 111 về bố trí tái định cư vì Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) phiên bản 09/2023 quy định cụ thể về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư nhưng chủ yếu liên quan đến các căn hộ chung cư cũ, trong khi đó thực tế việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn liên quan đến quyền sử dụng đất, các công trình xây dựng ngoài căn hộ. Do đó, để chủ động, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện đề nghị bỏ quy định tại khoản 9 Điều 111 để thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định chung của pháp luật về đất đai, khi thực hiện các công việc có liên quan đến chuyên ngành nhà ở thì áp dụng các quy định pháp luật về nhà ở.

Đánh giá chung, ông Lê Đình Hiếu, Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tổng thể trong toàn Dự án Luật có tới hơn 50 điều quy định “Chính phủ quy định chi tiết’ là quá lớn, nhất là tại quy định chuyển tiếp (khoản 2, Điều 164), không nên “chờ” để tránh vướng mắc khi Luật có hiệu lực. Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ thẩm quyền của Chủ tịch (riêng) và UBND (chung) các cấp, nội dung sự vụ cá biệt, phạm vi nhỏ, mang tính thực thi, thủ tục thì giao thẩm quyền cá nhân, tập thể chỉ xem xét những nội dung chung về cơ chế, chính sách, vụ việc có liên quan đến nhiều đối tượng, khó thực hiện, trường hợp phạm pháp… Một số điều khoản khác cần được làm rõ như khoản 5, điều 21 quy định “chính quyền địa phương…” là không rõ trách nhiệm chủ thể; Điều 76 quy định “… công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất…” cần bổ sung làm rõ đối tượng sau cụm từ “hủy bỏ”…

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị đổi tên luật là Bộ luật Đất đai vì tầm quan trọng của đất đai đối với lãnh thổ, dân tộc, chính quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước đã được quy định tại Hiến pháp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thực tiễn các vụ tranh chấp tại Tòa án (dân sự, hành chính, kinh doanh, thương mại), thì khiến nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm tới hơn 70%; tài sản của cá nhân, tổ chức, pháp nhân đều liên quan đến đất đai, bị chi phối bởi Luật Đất đai. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bao hàm tất cả các nội dung xứng đáng với tên gọi Bộ luật Đất đai. Thêm nữa, việc sử dụng tên “Bộ luật Đất đai” có tác động tâm lý, chính trị, pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện luật.

Luật sư Trương Thị Hòa góp ý thêm vào các điều luật như đề nghị bổ sung tại Điều 12 (Sở hữu đất đai): “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sở hữu và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”, để tương thích với quy định Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015; đề nghị quy định vấn đề bảo mật thông tin đối với đất quốc phòng, an ninh và gắn yếu tố này vào tất cả các điều khoản liên quan đến đất quốc phòng, an ninh trong Luật Đất đai; cần làm rõ trường hợp nào cấp đất cho tổ chức tôn giáo, trường hợp nào cấp cho tổ chức tôn giáo trực thuộc (Điều 146 quy định về cấp giấy chứng nhận cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất).

Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị, cần nghiên cứu xem xét thành lập tòa án chuyên biệt về đất đai vì điều này phù hợp với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết 755/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về bổ sung, hoàn thiện pháp luật, tổ chức bộ máy phù hợp để đảm bảo yêu cầu giải quyết các vụ án, vụ việc có tính chất đặc thù.

Bên cạnh các ý kiến góp ý trực tiếp sửa đổi, bổ sung các điều luật, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ hơn một số khái niệm, giải thích từ ngữ trong luật; xem xét chỉnh sửa các điều, khoản để đảm bảo Luật Đất đai tương thích với các luật pháp liên quan khác như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ hơn vấn đề lưu giữ, bảo vệ, bảo quản tài sản của người bị cưỡng chế bồi thường thu hồi đất, thi hành án đất đai; nghiên cứu xem xét quy định về quyền sở hữu đất có thời hạn đối với người nước ngoài phù hợp với Luật Nhà ở…/.


Xuân Khu

Tin liên quan

Xem thêm