Ngành Quản lý đất đai đã có nhiều dấu ấn, đóng góp cho sự phát triển đất nước, nhất là trong việc tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật đất đai nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.
TTXVN - Quản lý đất đai là vấn đề hệ trọng, mang tính tổng hợp cả về kinh tế và chính trị - xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất quan tâm. Giải quyết đúng đắn chính sách đất đai sẽ tạo thêm động lực, góp phần quan trọng nhằm đạt được những thành tựu to lớn của sự nghiệp cách mạng nước ta. Nhân kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Quản lý đất đai (3/10/1945 - 3/10/2023), Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu bài viết của ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) về những đóng góp của ngành Quản lý đất đai vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
*Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước “nắm chắc, quản chặt” quỹ đất đai
"Trong những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 đặt nền móng quan trọng cho việc ra đời của ngành Quản lý đất đai Việt Nam.
Suốt 78 năm hình thành và phát triển (3/10/1945 - 3/10/2023), dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã trải qua những thời kỳ lịch sử vẻ vang, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, đem lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng hành cùng lịch sử xây dựng và phát triển của dân tộc, ngành Quản lý đất đai đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ. Ngành Quản lý đất đai đã có nhiều dấu ấn, đóng góp cho sự phát triển đất nước, nhất là trong việc tham mưu, xây dựng chính sách pháp luật đất đai nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai. Đáng kể là dấu ấn kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với cơ sở dữ liệu dân cư để từng bước đi vào vận hành phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phục vụ nhân dân.
Theo đó, ngành Quản lý đất đai đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng về đất đai, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống chính sách pháp luật về quản lý đất đai Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo được an ninh lương thực; góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân...
Đặc biệt, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai nhất là chính sách mở rộng thời hạn giao đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ đã khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Chuyển biến quan trọng nhất là đưa Việt Nam từ một nước thiếu lương thực trở thành một trong những quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp đảm bảo đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới.
Nội dung cơ bản của công tác quản lý đất đai đã dần được định hình rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai (từ Luật Đất đai 1987, 1993, 2003, 2013 đến các văn bản dưới luật). Luật Đất đai 2013 đã tạo khung pháp lý chắc chắn cho các địa phương thực hiện tốt các nội dung quản lý chỉnh rộng, điều chỉnh quan hệ về sở hữu và sử dụng đất đai.
Cơ quan quản lý đất đai cấp Trung ương đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống chính sách về đất đai phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách đất đai không chỉ còn là “mệnh lệnh” hành chính mà từng bước đã chuyển sang điều hành bằng cơ chế và kinh tế, tạo ra nguồn nội lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; thừa nhận giá trị quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản.
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, chống suy thoái tài nguyên đất; thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đất đai được phân bổ hợp lý để sử dụng phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Công tác này cũng thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, giải quyết việc làm và đời sống cho hàng triệu lao động; phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Việc công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã bảo đảm mọi thửa đất đều có chủ sử dụng, bảo hộ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất làm cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản yên tâm đầu tư, sử dụng đất có hiệu quả. Đến nay, 78% tổng diện tích tự nhiên trên cả nước đã được đo đạc, lập bản đồ địa chính (các loại tỷ lệ bản đồ). Tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,4% tổng diện tích các loại đất cần cấp.
Nguồn lực về đất đai tiếp tục được phát huy, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư. Theo Tổng cục thống kê, giai đoạn 2015-2021, nguồn thu từ đất đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng qua các năm; năm 2015 đạt hơn 85 nghìn tỷ đồng, đến năm 2021 đã đạt trên 228 nghìn tỷ đồng. Trung bình nguồn thu từ đất đóng góp từ 12% đến 15% cho ngân sách, cá biệt có những nơi nguồn thu từ đất chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được tập trung chỉ đạo theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, phối hợp liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai cho các ngành, lĩnh vực để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ quan quản lý đất đai cấp Trung ương đã tập trung chỉ đạo các địa phương tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ giải quyết thủ tục hành chính về đất đai trên môi trường điện tử. Cùng với đó, rà soát, đánh giá, xác định thủ tục hành chính phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai trực tuyến để người dân, doanh nghiệp vẫn giải quyết được thủ tục hành chính nhưng giảm thiểu việc đến nơi nộp hồ sơ.
Đến nay, 24/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế. 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng dịch vụ Công Quốc gia…
Để tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn, trong thời gian tới, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Quản lý đất đai sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cơ bản. Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước “nắm chắc, quản chặt” quỹ đất đai. Đặc biệt là phối hợp hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai (sửa đổi); triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta thành nước phát triển có thu nhập cao”. Cùng với đó, Ngành hoàn thành dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi), trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Ngành Quản lý đất đai sẽ xây dựng, hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của hệ thống dữ liệu quốc gia; chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử.
Ngành sẽ tổ chức việc quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin đất đai; cập nhật, chỉnh lý kịp thời các dữ liệu địa chính, điều tra cơ bản về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai và các dữ liệu khác thuộc cơ sở dữ liệu đất đai.
Ngành sẽ tập trung điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng và chất lượng tài nguyên đất đai toàn quốc, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ, theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính về đất đai với các yêu cầu cụ thể như hệ thống định giá đất trở thành công cụ tài chính điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ, hợp lý.
Bên cạnh đó, Ngành kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực các cấp, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước; có sự phân công, phân cấp rõ ràng nhằm hoạt động hiệu quả, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai./.