Quốc hội với Cử tri

Sửa đổi Luật Thủ đô: Đưa văn hóa, con người trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững

Hà Nội

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là chính sách phát triển văn hóa và an sinh xã hội của Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

TTXVN - Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật là chính sách phát triển văn hóa và an sinh xã hội của Thủ đô.

Đây là những chính sách góp phần xây dựng văn hóa người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam; đưa văn hóa, con người Hà Nội trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

* Cơ chế đặc thù để phát triển văn hóa

Một trong các mục tiêu về phát triển văn hóa được đề ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, trong đó văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 11 Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW với một số cơ chế đặc thù mới để phát triển văn hóa Thủ đô. Đó là: xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa theo quy hoạch; giao HĐND thành phố Hà Nội quy định nội dung, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành đối với văn nghệ sỹ, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy, thực hành, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể...

Bên cạnh khu vực “làng nghề”, dự thảo Luật quy định tập trung nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của “làng có nghề” để tạo nền tảng thúc đẩy thiết kế sáng tạo, qua đó góp phần xây dựng thành phố sáng tạo. Ngoài ra, để huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô, dự thảo Luật cho phép áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực văn hóa thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Dự thảo Luật cũng cho phép thành phố Hà Nội áp dụng quản lý, vận hành và khai thác tài sản công theo phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa do Nhà nước đầu tư; cho phép thành phố Hà Nội được áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để phát triển khu thúc đẩy thương mại và văn hóa ở một số địa điểm có tiềm năng, lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa. "Quy định này sẽ giúp việc phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch tại các khu phố cổ, khu phố cũ, kinh tế đêm hay khu thúc đẩy thương mại, văn hóa tại Thủ đô Hà Nội. Kinh nghiệm ở nhiều quốc gia có các khu phố cũ, phố cổ đã hình thành các khu vực cải tiến thương mại để thu hút du lịch, phát triển các hoạt động thương mại, đem lại nguồn thu cho người dân địa phương và Nhà nước như: Canada, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Singapore, Đức…", ông Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW, phát triển công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo”, dự thảo Luật đã bổ sung một số quy định nhằm ưu tiên, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.

Cụ thể, dự thảo Luật quy định đầu tư mới vào một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa thuộc danh mục dự án ưu đãi đầu tư. Nội dung ưu đãi gồm: được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo...

Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của một đất nước năng động, đổi mới và phát triển. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

* Thực hiện đồng bộ chính sách xã hội

Một trong những nội dung quan trọng khi sửa đổi Luật Thủ đô lần này là bổ sung các quy định về chính sách xã hội, an sinh, phúc lợi xã hội.

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết, về chính sách xã hội, khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật quy định: HĐND thành phố Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp; hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội và con công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác); hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo; hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô. "Đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Thành phố nhằm góp phần ngăn chặn bệnh tật từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi. Đây cũng là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi thành phố Hà Nội có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp", Thứ trưởng Bộ Tư pháp chỉ rõ.

Ngoài ra, để thu hút đầu tư vào cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện, nguồn lực đầu tư, khoản 4 Điều 45 dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân đầu tư được hưởng các ưu đãi như: miễn tiền sử dụng đất khi thành lập, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ các hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, các cơ sở cai nghiện ma túy ngoài công lập hoặc cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện; vay vốn với lãi suất ưu đãi trong 5 năm đầu thành lập theo quy định của HĐND thành phố Hà Nội.../.

PV

Tin liên quan

Xem thêm