Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bổ sung những cơ chế, chính sách có tính đặc thù
Cử tri đóng góp nhiều ý kiến vào 3 dự thảo Luật, tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi áp dụng, thực hiện pháp luật; đồng thời, đề xuất, góp ý, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
TTXVN - Ngày 5/10, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp với Liên đoàn Lao động và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề tiếp xúc cử tri là cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động Thủ đô để lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi).
Với tinh thần trách nhiệm cao, các cử tri đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết vào 3 dự thảo Luật trên; tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc, bất cập khi áp dụng, thực hiện pháp luật; đồng thời, đề xuất, góp ý, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cử tri nêu ý kiến về điều kiện hưởng lương hưu là đủ 60 tuổi đối với lao động nam và 55 tuổi đối với lao động nữ, bởi tại các doanh nghiệp sản xuất, người lao động ngoài 50 tuổi sức khỏe đã giảm sút, năng suất lao động không còn cao.
Cử tri đề nghị mức hưởng chế độ ốm đau bằng 70% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng đủ 35 năm trở lên; bằng 65% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng đủ 30 năm đến dưới 35 năm. Mặt khác, cử tri đề nghị bổ sung quy định: "Nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ bảo hiểm xã hội; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia bảo hiểm xã hội"; xem xét giảm độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động...
Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), chị Phạm Thị Trang, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Suncall Technology Việt Nam cho rằng, để chính sách nhà ở xã hội được áp dụng một cách hiệu quả và thực tế, cần thiết có một hệ thống chính sách pháp luật phù hợp. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có sự tập trung đầy đủ vào việc đáp ứng nhu cầu của những người không có khả năng mua nhà thương mại. Vì vậy, cần thiết phải mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng chính sách về hỗ trợ nhà ở xã hội.
Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về vốn vay phù hợp cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và người mua nhà, chủ trương phát triển nhà ở xã hội mới phát huy được giá trị tốt đẹp, phục vụ mục đích an sinh xã hội.
Cử tri là đoàn viên Công đoàn, người lao động cho rằng, cần thiết phải đặt ra mức giá trần cho nhà ở xã hội. Việc này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng đầu cơ lạm phát giá nhà, bảo đảm tính công bằng trong việc phân phối nhà ở cho người dân, tính khả thi của chính sách nhà ở xã hội, giúp người dân có điều kiện mua nhà với giá hợp lý.
Về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), cử tri nhận định, chính sách thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực là một chính sách đúng đắn, cần thiết mà Hà Nội đã thực hiện nhiều năm qua nhưng chưa có hiệu quả. Nguyên nhân do chính sách đãi ngộ chưa tốt, chưa có sức thu hút và chưa sử dụng đúng nhân lực… gây lãng phí nhân tài.
"Vì vậy, đề nghị bổ sung một số nội dung trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm quy định sự ràng buộc giữa quyền và trách nhiệm cá nhân người lãnh đạo, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tuyển dụng nhân tài; tránh việc lạm dụng chức quyền để tuyển dụng sai quy định và vụ lợi", chị Trương Hải Yến, nhân viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội đề nghị.
Nhiều cử tri mong muốn Luật Thủ đô (sửa đổi) cụ thể hơn, bổ sung đưa vào những cơ chế, chính sách có tính đặc thù, có trọng tâm, trọng điểm, vượt trội hơn so với chính sách áp dụng chung khi chưa có Luật.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai trân trọng cảm ơn các đại biểu đã góp ý vào các dự thảo Luật. Các cử tri đã phát biểu rất tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật, đặc biệt là những vướng mắc, tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật. Các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Các đại biểu Quốc hội sẽ tham gia cụ thể hóa những ý kiến của cử tri trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng cho biết, thành phố có khoảng 270 nghìn doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động. Liên đoàn Lao động hành phố trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, với 9.208 Công đoàn cơ sở, 664.031 đoàn viên; trong đó, khu vực sản xuất kinh doanh với 470.024 đoàn viên.
Tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Thủ đô vẫn giữ được ổn định. Việc thực hiện cơ chế ba bên giữa Công đoàn - người sử dụng lao động - người lao động, ngày càng phổ biến và đi vào thực chất hơn. Các thiết chế về Hội đồng quan hệ lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động thành phố đã được thành lập và hoạt động hiệu quả. Vai trò đại diện, tham gia quản lý của tổ chức Công đoàn các cấp được khẳng định, từ đó, góp phần vào xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ./.