Cần xây dựng hành lang pháp lý để cơ quan có thẩm quyền giám sát các dự án bất động sản, nhà ở được chuyển nhượng khi đủ điều kiện.
TTXVN - Ngày 2/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị góp ý các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi). Đây là các dự án Luật dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Góp ý về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại diện Hiệp hội Bất động sản Đồng Nai đề nghị ban soạn thảo làm rõ trường hợp bán, cho thuê nhà nếu nhằm mục đích kinh doanh thì phải quản lý và chịu thuế, mới phải qua sàn. Các dự án Luật cũng cần làm rõ cơ sở tính giá bán, giá thuê mua; đồng thời xây dựng hành lang pháp lý để cơ quan có thẩm quyền giám sát các dự án bất động sản, nhà ở được chuyển nhượng khi đủ điều kiện.
Trường hợp tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng nhằm mục đích kinh doanh bất động sản, phải thực hiện theo thủ tục chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án bất động sản, không được áp dụng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Về giá giao dịch bất động sản, các dự án Luật cần đề ra quy định để xử lý những vấn đề có liên quan giữa người mua và người bán, không khai báo giá trung thực ghi trong hợp đồng. Phí dịch vụ trong mua bán thông qua các sàn giao dịch bất động sản nên giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định, không để cho các bên tự thỏa thuận.
Theo Hội Luật gia Đồng Nai, dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần bổ sung thêm 1 điều quy định đối tượng điều chỉnh, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân là người nước ngoài; cần căn cứ vào Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam để xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải. Dự án Luật cần giải thích rõ thế nào là nước khoáng để xác định phạm vi điều chỉnh, vì nước khoáng là nước khai thác trong lòng đất để kinh doanh.
Cho ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi), Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, dự án Luật nên quy định riêng biệt loại đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm, vì đất trồng lúa có quy định riêng của Chính phủ về quản lý và sử dụng. Với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm, chỉ được thực hiện quyền bán tài sản gắn liền với đất thuê, không nên quy định quyền được chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm”. Việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp sẽ dẫn đến nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất của nhà đầu tư. Một số nhà đầu tư sẽ lợi dụng điều này để xin dự án nhằm đầu cơ, chuyển nhượng, không chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, dự án Luật cần quy định tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp dân sự về quyền sử dụng đất; khi phát sinh tranh chấp đất đai thì chuyển vụ việc đến tòa án xem xét giải quyết theo quy định.
Ông Quản Minh Cường, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai cho biết các ý kiến góp ý, phản biện tâm huyết tại hội nghị sẽ được Đoàn tổng hợp, gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét./.