Quốc hội với Cử tri

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Bắc Ninh

Cử tri tỉnh Bắc Ninh đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến mức lương hưu tối thiểu, bảo hiểm xã hội một lần, chế độ ốm đau, thai sản, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...

Cử tri đóng góp ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

TTXVN - Sáng 28/9, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho biết: Qua hơn 7 năm thi hành, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập. Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp so với tiềm năng. Tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia. Một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là cần thiết.

Tại buổi tiếp xúc, sau khi được nghe thông báo về dự kiến thời gian, nội dung tổ chức Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; giới thiệu về các nội dung của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cử tri tỉnh Bắc Ninh đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến xem xét có quy định mức lương hưu tối thiểu của người lao động; nghiên cứu có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về bảo hiểm xã hội một lần; trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; các quy định về quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hyun Jung Vina Nguyễn Thị Thanh Hà mong muốn Đảng, Nhà nước và Quốc hội có cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động; xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung chế độ trợ cấp gia đình đối với người lao động.

Cử tri tán thành chủ trương giảm số năm đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bỏ quy định về mức lương tối thiểu. Cử tri đề nghị cơ quan xây dựng Luật cần xem xét có quy định mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50% bình quân tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Vân Hà đề nghị tách khoản 1 Điều 21 Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thành 2 khoản riêng, vì rất nhiều quyền và trách nhiệm gắn liền với tổ chức Công đoàn mà Hiến pháp, Luật Công đoàn đã giao cho tổ chức Công đoàn với tư cách là “tổ chức chính trị - xã hội”. Trong khi đó, “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” chỉ thực hiện các quyền và trách nhiệm trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động. Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Cử tri Nguyễn Đức Tùng, Trưởng Phòng Chế độ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh kiến nghị với Quốc hội bổ sung thêm quyền lợi ngắn hạn như: Chế độ ốm đau đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm thu hút người dân tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; cho hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp người đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội…

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Kết luận tại buổi tiếp xúc cử tri, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Thị Vân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các cử tri; đồng thời, tiếp thu các kiến nghị, góp ý đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để tổng hợp, phân loại và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 9 chương, 136 điều, trong đó, nêu rõ những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện số năm đóng tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm…/.

Thanh Thương

Tin liên quan

Xem thêm