Việc chống tham nhũng cần thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt cần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản của các đối tượng tham nhũng.
TTXVN-Trong hai ngày 26 - 27/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại 8 huyện, thành phố trên địa bàn. Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn đã thông tin tới cử tri nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 6.
Theo đó, Kỳ họp thứ 6 dự kiến khai mạc ngày 23/10 và bế mạc vào ngày 29/11/2023. Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức giám sát tối cao một số vấn đề.
Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn thông tin, tại Kỳ họp lần này Quốc hội sẽ thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Luật Đất đai (sửa đổi), cơ chế đặc thù trong phát triển giao thông đường bộ… đây là những nội dung mà người dân và doanh nghiệp quan tâm. Việc thông qua các nội dung này sẽ tháo gỡ được những nút thắt, chồng chéo, khơi thông Luật Đất đai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kiến nghị một số vấn đề về nông nghiệp, nông thôn, cử tri Bùi Xuân Bách (xã Hòa Bình, huyện Kiến Xương) cho rằng, chất lượng nước sạch ở một số địa phương chưa đảm bảo, áp lực yếu, tỉnh cần thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất của một số công ty để việc cung cấp nước sạch được đảm bảo. Tình trạng rác thải ùn ứ gây ô nhiễm môi trường đã xuất hiện ở nhiều khu vực nông thôn, các lò đốt hoạt động không hiệu quả, trái lại còn gây mùi khó chịu ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh và các vùng lân cận.
Đại diện cử tri 15 xã phía Nam của huyện Vũ Thư, ông Lê Văn Tỉnh (xã Tự Tân) kiến nghị việc chống tham nhũng cần thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt cần nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản của các đối tượng tham nhũng. Về vấn đề sát nhập địa giới hành chính tại các địa phương, ông Lê Văn Tỉnh cho rằng các bộ, ban, ngành, địa phương cần tính toán hợp lý, tránh gây tốn kém, lãng phí các nguồn lực.
Cử tri Thái Bình còn kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với lực lượng thanh niên xung phong, người thờ cúng liệt sỹ, lực lượng cán bộ dôi dư sau khi sát nhập địa giới hành chính; cơ chế đặc thù cho hội người cao tuổi; công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng…
Tại các điểm tiếp xúc, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình ghi nhận, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Giải đáp kiến nghị của cử trivề vấn đề cung cấp nước sạch tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Lại Văn Hoàn cho biết, tỉnh đã rà soát, kiểm tra tất cả các điểm cung cấp nước sạch. Sau khi kiểm tra, đã phát hiện 19 điểm cung cấp nước còn yếu, chất lượng chưa đảm bảo, gây ảnh hưởng đến một bộ phận nhân dân. Vì vậy, tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch, tăng cường kiểm tra giám sát các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, tăng công suất, đầu tư thêm trang thiết bị để xử lý, đảm bảo chất lượng nguồn nước, giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các lò đốt rác thủ công được xây dựng trước đây đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, tỉnh chủ trương không tái sử dụng lại mà tập trung nguồn lực xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao. Tỉnh đã giao cho mỗi huyện quy hoạch một khu xử lý rác thải, nhưng khi thực hiện nhà máy xử lý rác công nghệ cao phải xử lý liên tục, lượng rác tại một huyện không đủ cung cấp cho nhà máy hoạt động, vì thế phải xử lý rác thải của nhiều huyện.
Để giải quyết “bài toán” rác thải, rất cần sự đồng thuận của người dân trong việc triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác công nghệ cao./.