Ngân sách Nhà nước sẽ cung cấp khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng; có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn.
TTXVN - Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã đặt ra yêu cầu về xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, gồm: trợ cấp hưu trí xã hội, bảo hiểm xã hội cơ bản (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện) và bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Với trợ cấp hưu trí xã hội, ngân sách Nhà nước sẽ cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (từ 55 tuổi trở lên đối với nữ; từ 60 tuổi trở lên đối với nam). Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp hưu trí xã hội là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trung ương xác định đến năm 2030, phấn đấu khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.
Thể chế hóa yêu cầu xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, Chính phủ đã đưa nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và quy định liên kết giữa trợ cấp hưu trí xã hội với tầng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác, sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Dự thảo Luật giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ.
Theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi sẽ giúp thêm khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế.
Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội (bao gồm cả bắt buộc và tự nguyện) chưa đủ 15 năm, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi), sẽ được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quy định này giúp gia tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà ngân sách Nhà nước không phát sinh tăng nhiều do chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế, trợ cấp hằng tháng do Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo từ thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
Theo tính toán, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm với mức tiền lương tháng đóng bình quân như hiện nay, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng, họ có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi.
Tán thành với đề xuất của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Xã hội và một số cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội để thiết lập sàn an sinh, cùng với bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Điều này cụ thể hóa quy định về bảo đảm an sinh xã hội của Hiến pháp, thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28 và là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội toàn dân. Đồng thời phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhằm chuyển hướng mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng và không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng; phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm có thể so sánh được độ bao phủ của chế độ hưu trí giữa các quốc gia.
Song, ý kiến từ phía Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, cần tiếp tục rà soát các quy định có liên quan, bảo đảm việc quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội không gây ra xung đột chính sách, đồng thời bảo đảm nguồn lực từ ngân sách Nhà nước để thực hiện chính sách. Quy định cụ thể về việc hưởng bảo hiểm y tế của người đáp ứng điều kiện nhận trợ cấp ở cả Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội) và dự thảo Luật. Rà soát để thống nhất quy định về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội bảo đảm minh bạch, rõ ràng tránh dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và phát sinh các loại lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội khác mà lại phải do Chính phủ quy định và khác với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh đó, nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn. Ví dụ, có thể tính đến việc được đóng (tặng) bảo hiểm xã hội tự nguyện cho cha, mẹ, người thân và các đối tượng khác…, vừa góp phần gia tăng đối tượng tham gia, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội lâu dài./.