An sinh

Quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Cần sửa đổi căn bản Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để bảo đảm an sinh xã hội, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động.

Có lương hưu, người dân yên tâm hưởng tuổi già an nhàn. (Ảnh: Vân Duy)

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập, cần sửa đổi căn bản nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người theo quy định của Hiến pháp và thể chế hóa các nội dung trong Nghị quyết số 28-NQ/TW (về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội) theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động.

Theo tờ trình Chính phủ gửi Quốc hội, diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội trên thực tế còn thấp so với tiềm năng. Số liệu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 7/2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, so với mục tiêu đặt ra của năm 2023 là khoảng 40,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, khoảng cách từ nay đến cuối năm còn rất lớn. So với mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW là đến năm 2025 nâng tỷ lệ này lên khoảng 45%, khi thời gian thực hiện chỉ còn hơn 2 năm, đây là điều không hề dễ dàng.

Bên cạnh đó, tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương. Số chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2021 bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm. Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia. Một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn hiện nay...

Vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần là một trong những nội dung cốt lõi trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Đây cũng là vấn đề dư luận xã hội rất quan tâm.

Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau 7 năm thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, tổng số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là khoảng 4,5 triệu lượt người, trong đó có gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận bảo hiểm xã hội một lần giai đoạn 2016 - 2022.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra định hướng: Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bám sát định hướng này, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như: điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; hưởng bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm xã hội đóng đối với người lao động sau một năm nghỉ việc không nhận bảo hiểm xã hội một lần mà tiếp tục bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng bảo hiểm y tế tối đa bằng thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động.

Người dân đến làm thủ tục tại Bảo hiểm xã hội huyện Núi Thành, Quảng Nam. (Ảnh: Chu Thanh Vân)

Dự thảo Luật đề xuất hai phương án về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Phương án 1 quy định việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau. Nhóm thứ nhất là đối với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Về bản chất, quy định này kế thừa Nghị quyết số 93/2015/QH13 (về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động), cho phép người lao động được lựa chọn giữa bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần nếu có nhu cầu. Nhưng có sự khác biệt là nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận bảo hiểm xã hội một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung. Trường hợp người lao động đã lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần, không được nhận các quyền lợi bổ sung nêu trên.

Nhóm thứ hai là đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025) không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).

Ưu điểm của phương án 1 là dần dần từng bước khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Theo dữ liệu thống kê giải quyết thời gian qua, với phương án này, trong những năm đầu số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh, có thể giảm quá nửa số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần so với giai đoạn vừa qua, tiến tới tiếp cận theo thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cho biết, trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội so với phương án 2 nhưng trong dài hạn thì phương án này tối ưu hơn. Do quy định này không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội nên cơ bản sẽ ít khả năng gặp phản ứng của người lao động hơn.

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là do chỉ áp dụng đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực, nên hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội vẫn có quyền lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi Luật mới có hiệu lực; đồng thời tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi Luật này có hiệu lực trong việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2 quy định sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu, được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phương án 2 đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, hài hòa quyền lợi người lao động và chính sách an sinh xã hội lâu dài. Mặc dù, số lượt người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì họ cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia).

Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn. Người lao động có động lực hơn để tiếp tục tham gia, tích lũy quá trình đóng và có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. Đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận bảo hiểm xã hội một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của người lao động trong dài hạn.

Tuy vậy, phương này chưa giải quyết triệt để việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động không được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác giảm quyền lợi; đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần trước khi Luật có hiệu lực thi hành (hưởng “chạy luật”). Bên cạnh đó, theo phương án này, tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai./.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm