Các đơn vị tăng cường phối hợp trong hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp.
TTXVN - Chiều 3/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức Hội nghị ký kết quy chế phối hợp về vấn đề lao động - việc làm trên địa bàn.
Theo đó, các đơn vị tăng cường phối hợp trong hướng dẫn, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn, an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp liên quan đến người lao động; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; đặc biệt là phối hợp trong công tác chăm lo đời sống đoàn viên, công nhân lao động.
Các hoạt động phối hợp còn hướng đến tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề lao động - việc làm trên địa bàn Thành phố cho người lao động nắm và thực hiện; đồng thời tăng cường vai trò, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội đối với các vấn đề lao động – việc làm và thực hiện các chủ trương, chính sách về lao động – việc làm hiện nay.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua đại dịch COVID-19 và suy giảm kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến quan hệ lao động, việc làm; làm ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hơn hết là công ăn việc làm của người lao động. Để khắc phục tình trạng này, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp và phát huy hiệu quả tích cực, cải thiện vấn đề về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động ngày càng tốt hơn; ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp tốt hơn, giảm thiểu được số vụ vi phạm pháp luật lao động, góp phần đảm bảo quyền lợi công nhân, người lao động.
Việc ký kết giữa các cơ quan, đơn vị dịp này nhằm tăng cường hơn nữa trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm; góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, đảm bảo đời sống cho công đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thành phố.
"Thông qua Quy chế phối hợp, chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp, giám sát, triển khai thực hiện các quy định pháp luật lao động; tạo sự đồng thuận, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao của các cơ quan, đơn vị trong giai đoạn 2023-2028", ông Lê Văn Thinh nhấn mạnh.
Để thực hiện có hiệu quả các nội dung ký kết, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố nhấn mạnh việc phối hợp, tăng cường trao đổi thông tin; tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn được hỗ trợ từ các chương trình an sinh xã hội của Thành phố và hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra liên ngành, vận dụng các chính sách, huy động mọi nguồn lực xã hội rà soát, hỗ trợ kịp thời các trường hợp người lao động ngừng việc, nghỉ việc, có hoàn cảnh khó khăn phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Tại lễ ký kết, ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao nội dung, chương trình ký kết phối hợp giữa các đơn vị trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức các hoạt động hướng đến người lao động, doanh nghiệp, ổn định tình hình quan hệ lao động; góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ông Phạm Anh Thắng cho rằng, mỗi cơ quan, đơn vị tham gia ký kết đều giữ vai trò quan trọng liên quan đến lao động, việc làm và an sinh xã hội tại địa phương. Việc ký kết giữa các cơ quan, đơn vị tại thời điểm này rất quan trọng, nhất là thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chăm lo tốt hơn cho người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2023, Thành phố ghi nhận gần 92.000 trường hợp nghỉ việc tại các doanh nghiệp và đề nghị giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, lĩnh vực cắt giảm nhiều lao động gồm: Hoạt động thương mại dịch vụ giảm hơn 26.000 người; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm gần 24.000 người; xây dựng giảm gần 2.000 người; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 1.200 người. Trong các doanh nghiệp có người lao động nghỉ việc, Thành phố cũng ghi nhận 29 doanh nghiệp giảm trên 500 lao động (doanh nghiệp báo cáo giảm tham gia bảo hiểm xã hội), tổng số lao động giảm là 38.462 người./.