An sinh

Đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký quy chế phối hợp. (Ảnh: Vân Phương)

TTXVN - Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2023-2028 đã được Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ký kết chiều 31/7.

Theo Quy chế, hai bên sẽ tập trung triển khai, thực hiện 11 nội dung phối hợp. Trong đó, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật, thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội…

Tại buổi Lễ, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã chia sẻ về vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời thông tin những kết quả ấn tượng trong thực hiện các chính sách này thời gian qua với diện bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tăng. Năm 2022, số người tham gia bảo hiểm y tế gần 91,1 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 92,04% dân số và là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao.

Hàng năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho khoảng 10 triệu người lao động; trên 170 triệu lượt người khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Chất lượng dịch vụ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của ngành không ngừng được cải thiện mạnh mẽ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người tham gia, với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu. (Ảnh: Vân Phương)

Để đạt được những kết quả đó, công tác phối hợp triển khai chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Việc phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan thời gian qua đã giúp phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, giúp người dân nói chung và các đoàn viên Công đoàn nói riêng thực hiện tốt nghĩa vụ và được đảm bảo quyền lợi chính đáng về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tin tưởng, thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục phát huy và triển khai thành công Quy chế phối hợp, mang lại hiệu quả cao hơn, ngày càng có nhiều người dân, người lao động được tham gia vào “lưới” an sinh để được đảm bảo, thụ hưởng quyền lợi an sinh xã hội.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, hiện nay, nhiều vấn đề mới và khó liên quan đến an sinh xã hội đang đặt ra cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về xây dựng và hoàn thiện chiến lược, chính sách an sinh xã hội trong tình hình mới.

Trên thực tế, không ít công dân, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn gượng ép khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhất là hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa suy giảm, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, như: không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; không thể chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu. (Ảnh: Vân Phương)

Giai đoạn 2023 - 2028, hai cơ quan sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nội dung phối hợp; đặc biệt là nghiên cứu, đề xuất giải pháp căn cơ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thời gian qua; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động được tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định.

Giai đoạn 2015 -2022, công tác phối hợp giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đáng chú ý, hai bên phối hợp nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động, hai bên đã tích cực tham gia, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, ban hành các chính sách/nhóm chính sách giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng hành cùng doanh nghiệp thích ứng, linh hoạt trong tình hình mới, khôi phục sản xuất, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chủ động, tập trung thông tin, truyền thông Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm trong đoàn viên công đoàn, người lao động, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành vi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công đoàn các cấp tích cực phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tại địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cùng cấp tổ chức hàng ngàn cuộc kiểm tra, giám sát về pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Qua đó, thúc đẩy việc tuân thủ, chấp hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế trong doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động…/.

Chu Thanh Vân

Tin liên quan

Xem thêm