Hướng tới việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ quyền lợi của người lao động
Dự thảo Luật có một số nội dung mới so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bổ sung chế độ thai sản, giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu…
TTXVN - Ngày 13/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam lấy ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và những vấn đề lớn về dân số cần quan tâm.
Dự Hội thảo có một số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động và đại diện doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam; các nhà nghiên cứu lập pháp, chuyên gia nghiên cứu xã hội.
* Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thuơng binh và Xã hội, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội lần này được sửa đổi căn bản, toàn diện nhằm đảm bảo an sinh xã hội của người dân theo hướng đa dạng, linh hoạt, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tiến tới bao phủ bảo hiểm xã hội toàn bộ lực lượng lao động; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế và đảm bảo yếu tố bình đẳng giới…
Dự thảo Luật có một số nội dung mới so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 như: bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm…
Ông Carlos Andre da Sila Gama Nogueira, chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO) cho rằng, sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng hiện thực hóa xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng ở Việt Nam. Việt Nam cần kết hợp giữa bảo hiểm xã hội do người lao động đóng góp và phần hưu trí xã hội do Nhà nước chi trả.
ILO khuyến nghị, Việt Nam cần mở rộng diện bao phủ pháp lý của hệ thống bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng cường các chính sách khuyến khích tài chính; tích cực trợ cấp hưu trí xã hội với lương hưu trí bảo hiểm xã hội; cải thiện mức hưởng lương hưu trí, đảm bảo mức lương hưu đáp ứng nhu cầu cuộc sống… Bên cạnh đó, Việt Nam cần tăng cường liên kết các chính sách việc làm, trợ cấp xã hội và bảo hiểm xã hội phù hợp các chính sách khác trong tương lai; giữ và duy trì đối thoại xã hội với sự tiếp cận người sử dụng lao động, người lao động. Việt Nam tăng đầu tư vào bảo hiểm xã hội; tăng cường quản lý vận hành và truyền thông; tăng cường việc thực thi…
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc kiêm Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, bảo trợ xã hội đóng một vai trò quan trọng. Vai trò này ngày càng được tăng cường hơn để hỗ trợ Việt Nam đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2023 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Điều này tạo nền tảng vững chắc giúp Việt Nam ứng phó với những thách thức ngày càng lớn đến từ thay đổi nhân khẩu học, phát triển công nghệ, biến đổi khí hậu và sự bất ổn kinh tế ngày càng tăng.
Theo bà Pauline Tamesis, những khuyến nghị về sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội từ các tổ chức Liên hợp quốc có nội dung tương đồng với các khuyến nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Trong đó, ba nội dung nổi bật là: liên kết chính sách; mở rộng diện bao phủ và đầu tư vào bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội nói chung. Cần có sự tiếp cận mới, đó là chính sách bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội phải nằm trong tổng thể các chính sách chung của Việt Nam, bao gồm cả vấn đề đầu tư.
* Tăng cường hiệu quả bảo vệ quyền lợi người già
Theo bà Trịnh Thu Nga, Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam đang bước vào giai đoạn có chỉ số già hóa dân số nhanh và tạo ra thách thức về an sinh xã hội đối với những người không tham gia bảo hiểm xã hội. Người hưởng trợ cấp xã hội đang tăng lên hàng năm. Trong đó, hơn 50% là người cao tuổi, trong khi đó phạm vi bao phủ của diện bảo hiểm xã hội còn hẹp, chưa bao phủ các đối tượng yếu thế, người già yếu không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng dân tộc… Hiện nay, khoảng 25% người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội và một số ít hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội (khoảng 2 triệu người). Gần 60% người cao tuổi không hưởng bất cứ chính sách lương hưu nào, là một thách thức lớn về cải cách hệ thống lương hưu, bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, Luật Bảo hiểm xã hội cần sửa đổi theo hướng giảm độ tuổi hưởng lương hưu trí; sửa đổi quy định hướng bảo hiểm xã hội chặt chẽ hơn và cần có chính sách hỗ trợ người lao động trang trải đời sống trong lúc khó khăn, tạm ngưng việc làm và tạo điều kiện cho họ quay lại làm việc.
Bà Pauline Tamesis cho rằng, tỷ lệ dân số phụ thuộc vào bảo hiểm xã hội, hỗ trợ xã hội sẽ già hóa theo thời gian và cần đầu tư vào tất cả các giai đoạn khác nhau của cuộc đời một con người. Tại Việt Nam, vào năm 2021, người từ 60 tuổi trở lên chiếm 12,8%, nhưng trong 5 năm nữa, tỷ lệ này lên 20%. Do vậy, rất cần đầu tư vào phần lương hưu cho người lớn tuổi. Đến 2030, số người già không nhận được bất cứ hình thức hỗ trợ nào từ lương hưu hay các hình thức hỗ trợ xã hội là khá cao và Việt Nam cần can thiệp chính sách để hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cần đầu tư vào người trẻ, chuẩn bị kỹ năng quản lý tài chính và các kỹ năng mềm khác, đảm bảo họ có khả năng đóng góp vào hệ thống bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội trong suốt cuộc đời của họ. Các biện pháp về chính sách bảo trợ xã hội không chỉ có lợi trong ngăn chặn suy thoái kinh tế ở Việt Nam, mà còn hỗ trợ sinh kế của người dân và ngăn chặn vòng xoáy đói nghèo.
Tại Hội thảo, các đại biểu nghe, thảo luận về thực trạng quản lý đối tượng tham gia, quản lý thu, đóng, xử lý trốn đóng bảo hiểm xã hội và giải pháp; đánh giá việc lồng ghép giới và các quy định đặc thù bảo vệ phụ nữ trong Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); thực tế triển khai Luật Bảo hiểm xã hội trên một số địa phương, những kiến nghị đóng góp dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…/.