Đến hết tháng 6/2023, cả nước có 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, 90,89 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.
TTXVN - Thông tin trên được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, diễn ra ngày 13/7.
Tăng chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Bảo hiểm Xã hội đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Các chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cơ bản đều tăng so với cùng kỳ. Việc triển khai thực hiện chế độ, chính sách kịp thời, đảm bảo tối đa quyền lợi cho người thụ hưởng. Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.
Báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, đến hết tháng 6/2023, cả nước có 17,48 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng khoảng 3,9% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 37,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. 90,89 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, tăng khoảng 5,04% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 91,86% dân số. 14,29 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp được ngành chi trả đầy đủ, kịp thời tới từng người tham gia, thụ hưởng, đã có khoảng 37 nghìn người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. 665.423 người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần.
Tại hội nghị, từ tình hình thực tế và phân tích các khó khăn trong quá trình triển khai nhiệm vụ, lãnh đạo các Ban nghiệp vụ của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội một số địa phương đã dự báo tình hình và nêu lên các giải pháp để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023.
Đối với lĩnh vực phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đại diện các Ban nghiệp vụ cho rằng, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh cần tham mưu chính quyền địa phương giao chỉ tiêu đến từng quận, huyện, ban hành các chính sách hỗ trợ, tuy nhiên không nên dàn trải mà cần tập trung vào những nhóm lớn; khẩn trương kiện toàn các Ban Chỉ đạo về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn đến cấp huyện, cấp xã…
Trong 6 tháng đầu năm, tình hình khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc có sự gia tăng rất lớn so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, một số địa phương tăng đến 60 -70%. Vì vậy, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh, thành phố cần đánh giá rủi ro, tìm hiểu nguyên nhân để phục vụ công tác khám, chữa bệnh và giám định bảo hiểm y tế; chủ động công tác tham mưu đề xuất, thực hiện các giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người tham gia.
Đối với việc giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đại diện Ban nghiệp vụ thông tin, 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm Xã hội các tỉnh thành phố đã rất nỗ lực trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người dân, đồng thời kiểm soát, phát hiện các dấu hiệu trục lợi Quỹ Bảo hiểm xã hội. Một số tỉnh như: Đồng Nai, Bình Dương... đã làm tốt công tác rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm.
Để chấm dứt tình trạng này, thời gian tới cần có sự phối hợp, thống nhất cao hơn nữa giữa hai ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và ngành Công an trong việc xử lý, xét xử các hành vi trục lợi; có quy định, chế tài xử lý mạnh... Trong thời gian còn lại của năm 2023, toàn ngành sẽ tập trung xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hướng dẫn kiểm tra chuyên đề về giấy nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, hồ sơ thủ tục giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, tháo gỡ các vướng mắc khác phát sinh trong thực tiễn triển khai.
Thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả
Đánh giá cao các kết quả toàn ngành đạt được trong 6 tháng đầu năm, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ, là tiền đề quan trọng để toàn ngành hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức là không ít, nên toàn ngành không được lơ là, chủ quan, mà cần kiên định, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ bằng tất cả các giải pháp linh hoạt, phù hợp và hiệu quả.
Yêu cầu các đơn vị và Bảo hiểm Xã hội các địa phương chủ động xây dựng, triển khai các giải pháp, kịch bản điều hành thích ứng với diễn biến, tình hình thực tế, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh lưu ý đến việc nắm bắt, đánh giá những vướng mắc, bất cập trong tổ chức, thực hiện để chủ động phối hợp với các bộ, ngành… đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ, nhằm đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm Xã hội các địa phương khẩn trương, tăng cường công tác tham mưu, huy động sự vào cuộc của các cấp trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong đó, giao được chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến từng cấp xã, phường, đảm bảo kết quả số người tham gia tăng trưởng bền vững…
Các đơn vị, địa phương cần tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; tăng cường các giải pháp thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi người tham gia; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm...
Cùng với đó, các đơn vị, địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Ngành sẽ bổ sung thêm các tính năng, tiện ích của ứng dụng VssID, tích cực vận động người dân, người lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng này để chủ động trong việc nắm bắt quá trình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của bản thân, góp phần cùng các cơ quan chức năng phát hiện xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia, thụ hưởng./.