28 năm xây dựng và phát triển (1995-2023) của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chính sách bảo hiểm y tế đã khẳng định vai trò trụ cột trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và cũng là trụ cột của an sinh xã hội, công bằng xã hội ở nước ta.
TTXVN - Chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương ngành y tế trong năm 2022 đã đạt và vượt 3 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội giao: Về số bác sĩ/10.000 dân, số giường bệnh/10.000 dân, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế.
* Căn bản đạt bảo hiểm y tế toàn dân
Bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, theo đó người mua bảo hiểm y tế sẽ được chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí khám, điều trị, phục hồi sức khỏe.
Trong năm 2022 diện bao phủ bảo hiểm y tế tiếp tục được mở rộng và đạt 91,1 triệu người tham gia (92,04% dân số), tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021. So với năm 1995 (có 7,1 triệu người tham gia), tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đã tăng 12,8 lần, cơ bản hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.
Trong suốt 28 năm xây dựng và phát triển (1995-2023) của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chính sách bảo hiểm y tế đã khẳng định vai trò trụ cột trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân và cũng là trụ cột của an sinh xã hội, công bằng xã hội ở nước ta.
Phát triển bảo hiểm y tế theo hướng bao phủ toàn dân là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, với phương châm "Lấy người dân làm chủ thể, trung tâm để phục vụ".
Chính sách bảo hiểm y tế từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và mở rộng phạm vi bao phủ, mở rộng quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách. Chính sách bảo hiểm y tế bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm bớt gánh nặng tài chính khi sử dụng các dịch vụ y tế và làm giảm nguy cơ đói nghèo, nhất là đối với người nghèo, cận nghèo, người dân sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách bảo hiểm y tế được ngành bảo hiểm xã hội thực hiện kịp thời. Phương thức quản lý được chuyển đổi hiệu quả từ thủ công sang hiện đại, giải quyết chế độ cho người tham gia bảo hiểm căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia, đảm bảo nguyên tắc "đóng-hưởng"; phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phục vụ chứ không phải “xin-cho”. Toàn ngành phối hợp với các cơ sở y tế đã khám chữa bệnh và giải quyết chế độ bảo hiểm y tế cho trên 2.368 triệu lượt người trong 20 năm, từ 2003 đến 2022.
Năm 2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đặt mục tiêu đạt 93,2% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tạo tiền đề để đến năm 2025 số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,15% dân số, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân theo đúng mục tiêu Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách trong tình hình mới, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia, thụ hưởng.
Cần nắm bắt, đánh giá vướng mắc trong thực tiễn triển khai để phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, đề xuất sửa đổi, bổ sung và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
Cần đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông để người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về bảo hiểm y tế; triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, bảo đảm giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về bảo hiểm y tế.
Toàn ngành cần phối hợp với ngành y tế để tăng cường công tác quản lý quỹ khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám, chữa bệnh; quan tâm nhiều hơn đến công tác đầu tư nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã để thu hút người có thẻ bảo hiểm y tế đến khám, điều trị, giảm tình trạng người bệnh tập trung quá đông lên tuyến trên.
* Mở rộng cửa để người nghèo tiếp cận y tế hiện đại
Chính sách bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống, giúp hàng triệu người có thu nhập thấp giảm bớt gánh nặng tài chính trong chăm sóc sức khỏe, thể hiện tính nhân văn trong chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng là phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam.
Bảo hiểm y tế cho người nghèo ở Việt Nam được coi là nội dung cơ bản của hệ thống an sinh xã hội. Ở tầm điều tiết vĩ mô, bảo hiểm y tế là công cụ quan trọng để phân phối lại tài chính, góp phần đảm bảo sự bình đẳng và công bằng xã hội.
Người thuộc diện nghèo được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế, người thuộc diện cận nghèo thì được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế. Khi đi khám, chữa bệnh, người thuộc diện nghèo được hưởng 100% chi phí; diện cận nghèo được hưởng 95% chi phí.
Việc bảo đảm quyền lợi chăm sóc sức khỏe thông qua bảo hiểm y tế đối với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, diện chính sách xã hội... là giải pháp quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Trong giai đoạn 2016-2020, phong trào “Chung tay vì người nghèo” của ngành bảo hiểm xã hội vừa góp phần mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế vừa giúp những người có thu nhập thấp được chăm sóc sức khỏe miễn phí. Nhờ vậy, hằng năm số người tham gia bảo hiểm y tế đều tăng vượt kế hoạch được giao, tính đến đầu năm 2020 có 86,7 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt 89,6% dân số, trong đó hơn 2 triệu người thuộc đối tượng nghèo; 1,7 triệu người thuộc đối tượng cận nghèo.
Từ ngày 1/1/2022, những người thuộc diện chính sách theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế mới.
Cũng trong năm 2022, ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam phát động phong trào “Tặng sổ thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn”, hướng tới đồng bào dân tộc thiểu số thuộc nhóm không được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người chưa có thẻ thuộc diện mới thoát nghèo, người thuộc diện cận nghèo, người có mức sống trung bình chưa tham gia bảo hiểm y tế và người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác…
Tại tỉnh Yên Bái, việc thực hiện các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Nhờ vậy, các chính sách được triển khai kịp thời, hiệu quả; đồng bào dân tộc thiểu số đã được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, giảm gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe. Tỉnh có hơn 740.000 người tham gia bảo hiểm y tế, mức bao phủ đạt gần 87%. Trong đó, hơn 200.000 thẻ bảo hiểm y tế được cấp cho người dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Tại Gia Lai, tỉnh còn hơn 35,11% người dân tộc thiểu số (hơn 216.500 người) chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Cùng với việc có chính sách hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho người dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia bảo hiểm y tế. Ngành cũng vận động các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua tặng thẻ bảo hiểm y tế, để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Tại tỉnh Sóc Trăng, từ khi Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi chính thức có hiệu lực (1/1/2015), quyền lợi chăm sóc sức khỏe của người dân đã được mở rộng, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người đang sinh sống ở những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Ở huyện Long Phú có 81.000 thẻ bảo hiểm y tế được mua tặng các đối tượng nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí hơn 64 tỷ đồng.
Để chính sách bảo hiểm y tế đối với người nghèo phát huy tác dụng trong thời gian tới, cần phân định trách nhiệm rõ ràng, đồng thời tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc giải quyết hỗ trợ kinh phí khám, chữa bệnh cho người nghèo; khắc phục hiệu quả tình trạng quỹ bảo hiểm y tế mất cân đối nghiêm trọng; nâng cao nhận thức, đơn giả hóa thủ tục để người nghèo, cận nghèo không còn thờ ơ với bảo hiểm y tế, tiến tới hoàn thành mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân./.