Để nâng cao đời sống, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô".
TTXVN - Là Thủ đô, trung tâm về mọi mặt đời sống, lượng người từ các tỉnh dồn về Hà Nội sinh sống, học tập và lao động ngày càng đông. Vì vậy, thành phố luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề an sinh xã hội, lao động, việc làm, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội…
* Nâng cao phúc lợi xã hội
Thực tế, nhiều lao động ở Thủ đô còn thiếu việc làm, đời sống vật chất, tinh thần thiếu thốn, có người phải sinh sống trong khu trọ lụp sụp, không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, tệ nạn xã hội, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo luôn có nguy cơ rình rập. Chất lượng cuộc sống, đời sống của người dân còn chưa đồng đều.
Trước thực trạng trên, để nâng cao đời sống, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 08 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô". Hơn 2 năm qua, thành phố có 14/27 chỉ tiêu của Chương trình 08 hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra; trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp là 2,23% (mục tiêu đến năm 2025 là dưới 3%); giải quyết việc làm cho 203.027 lượt người (mục tiêu đến năm 2025 đạt 160.000 lượt người/năm). Đặc biệt, cuối năm 2022, địa phương chỉ còn 0,095% hộ nghèo; có 16/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, 3 quận không còn hộ cận nghèo (mục tiêu đến năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới)...
Thành phố có 9 chỉ tiêu đang triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ như: Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội; tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, 3 chỉ tiêu đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện như: Số giường bệnh/vạn dân; Số bác sỹ/vạn dân và tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe. Bên cạnh đó, một chỉ tiêu chưa được triển khai thực hiện là tỷ lệ trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường (do Chương trình sữa học đường đã được thay thế bằng Chương trình sức khỏe học đường).
Để nâng cao đời sống vật chất, hạn chế tệ nạn xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, thành phố chú trọng việc đào tạo nghề, thu hút lao động có trình độ và giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn; đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, các sàn, điểm giao dịch việc làm vệ tinh nhằm hỗ trợ thông tin về thị trường cho người lao động và doanh nghiệp... Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 427.248 lượt lao động, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố (số lao động được tạo việc làm mới từ 155.000 - 160.000). Tỷ lệ thất nghiệp toàn thành phố dưới 3% (trong đó, năm 2021 là 2,6%; năm 2022 là 2,23%).
Đại bàn Thành phố hiện có 308 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho trên 508.000 lượt người (trong đó, trình độ Cao đẳng là 67.200 người; Trung cấp 72.290 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 369.300 người). Qua đó, góp phần vào việc cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động. Việc gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề được thành phố chỉ đạo quyết liệt. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%.
* Chăm lo tốt hơn đời sống dân sinh ngay tại địa phương
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 08 Hà Nội cho biết: Thành ủy luôn xác định chăm lo đời sống nhân dân là nhiệm vụ quan trọng. Đây cũng là lĩnh vực rất lớn, phạm vi rộng và có nhiều công việc cần thực hiện vì liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần của hàng triệu người dân Thủ đô. Vì vậy, Thành ủy đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp, biện pháp rất cụ thể để triển khai và bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, thành phố dành nhiều nguồn lực để thực hiện chương trình này.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, thành phố dành kinh phí với gần 21.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình; trong đó, năm 2021 là 6.469,351 tỷ đồng; năm 2022 là 7.771,626 tỷ đồng; năm 2023 là 6.749,508 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thành ủy chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc hiện nay như: COVID-19 đã được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch bệnh sẽ quay trở lại và một số dịch bệnh khác có thể xuất hiện. Vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh. Tiến độ đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm. Việc triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám, chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử còn hạn chế do chưa có phần mềm dùng chung toàn thành phố. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị sử dụng lao động còn khó khăn. Nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng nên người lao động phải tạm thời ngừng việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động. Điều này ảnh hưởng đến công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tình trạng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của công nhân...
Thành ủy Hà Nội cho biết, thời gian tới, thành phố chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, các cấp chính quyền quan tâm, chăm lo tốt hơn đời sống dân sinh ngay tại địa phương; tập trung thực hiện 7 giải pháp lớn như: Đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, để các nội dung đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, thường xuyên đánh giá tiến độ thực hiện, đảm bảo hoàn thành 27 chỉ tiêu; trong đó, tập trung vào những chỉ tiêu khó thực hiện như lĩnh vực y tế, giáo dục; đồng thời, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích người dân; tăng cường các giải pháp giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Hà Nội sẽ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động hiện đại, linh hoạt và hội nhập; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động, hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, điểm giao dịch việc làm vệ tinh; thực hiện tốt công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thành phố tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố.
Thành phố tiếp tục rà soát, bám sát tiến độ triển khai các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống các cơ sở y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội; thực hiện cập nhật, bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí, cân đối, hỗ trợ vốn cho các dự án hoàn thành đúng tiến độ được duyệt; đẩy nhanh giải quyết các thủ tục đầu tư để các dự án có thể sớm triển khai; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng các cơ sở y tế...
Địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, tiếp tục rà soát, bám sát tiến độ triển khai các dự án, thực hiện cập nhật, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và bố trí, cân đối, hỗ trợ vốn cho các dự án hoàn thành đúng tiến độ được duyệt. Các sở, ngành, UBND quận, huyện phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh giải quyết các thủ tục đầu tư các dự án; tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai dự án sử dụng đất ngoài ngân sách của các nhà đầu tư theo chủ trương được phê duyệt; hướng dẫn, giải quyết đề xuất của các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định./.