Xã hội

Tuyên Quang: Nỗ lực hoàn thành mục tiêu 6 tháng cuối năm 2023

Tuyên Quang

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh duy trì và phát triển ổn định, đạt tốc độ tăng trưởng khá, đứng thứ 13 cả nước, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.

Một góc Tuyên Quang nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Các giải pháp quan trọng để triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 đã được tỉnh xác định, như: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới; tăng cường liên kết, phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng; đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, xây dựng, bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình dự án, tích cực rà soát, nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuyên Quang đồng thời thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, tỉnh tăng cường kiểm tra hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án quan trọng của tỉnh…

Tỉnh phấn đấu năm 2023: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (giá so sánh 2010) tăng 9,0% so với năm 2022; thu nhập bình quân đầu người trên 55,7 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 9%, công nghiệp tăng 15,4%, nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 10.793 tỷ đồng, tăng trên 4,6% so với năm 2022; thu ngân sách nhà nước đạt trên 3.200 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu thu hút trên 2,5 triệu khách du lịch, doanh thu đạt trên 3.160 tỷ đồng; duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới và có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới…

Trạm biến áp 110Kv thôn Tấu Lìn (Hùng Lợi, Yên Sơn) được đưa vào sử dụng giúp nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc. (Ảnh: Vũ Quang: TTXVN)

HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua 21 nghị quyết, trong đó, có nhiều nghị quyết quan trọng như: Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2023 vốn ngân sách địa phương, tỉnh Tuyên Quang; Không thực hiện dự án mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Tuyên Quang (giai đoạn 2); Quy định mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập; Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang…

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh duy trì và phát triển ổn định , đạt được tốc độ tăng trưởng khá, đứng thứ 13 cả nước, đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc. Các ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục phát triển, sản xuất nông nghiệp ổn định, đảm bảo an ninh lương thực; giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ; các hoạt động thúc đẩy du lịch diễn ra sôi nổi. Các công trình, dự án quan trọng của tỉnh được đẩy nhanh tiến độ đầu tư; cải cách hành chính được triển khai quyết liệt. Các hoạt động về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghiệp được quan tâm và thúc đẩy. Tỉnh triển khai kịp thời và có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác chăm lo cho người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…/.

PV

Xem thêm